Điểm đến

Thành phố Hồ Chí Minh: Định vị thương hiệu “Thành phố bên sông”

Linh Tâm 03/09/2024 - 07:07

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 100 tuyến du lịch đường thủy có sức hấp dẫn lớn với du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng được xác định là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố mang tên Bác.

hcm.jpg
Du khách chụp ảnh check-in trên tàu du lịch tham quan sông Sài Gòn về đêm. Ảnh: Linh Tâm

Ấn tượng “đô thị sông nước”

Từ lâu, thành phố Hồ Chí Minh đã được mệnh danh là “đô thị sông nước”. Nơi đây có tới 15 con sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lạch Tàu... cùng 17 kênh, rạch chảy qua thành phố; tạo nên mạng lưới đường thủy phát triển gồm 101 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 913km. Song song với việc khai thác mạng lưới giao thông vận tải thủy, thành phố Hồ Chí Minh còn sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch đường thủy với nhiều sản phẩm độc đáo.

Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố hiện đang triển khai 78 sản phẩm du lịch đường thủy tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Nhiều sản phẩm không chỉ khai thác được lợi thế về cảnh quan sông nước tự nhiên mà còn làm nổi bật hình ảnh đô thị bên sông gắn với bản sắc văn hóa thương hồ (buôn bán trên sông nước) đặc trưng của vùng đất này. Có thể kể tới các sản phẩm như “Chuyến tàu tri thức”, “Con đường hành hương giải phóng dân tộc”, “Khám phá địa đạo Củ Chi và đời sống nông thôn”, “Thành phố bên dòng sông - trên bến dưới thuyền”, “Một thoáng chợ nổi”...

Bên cạnh đó còn có các chương trình du lịch sinh thái gắn với hoạt động thể thao như hiking (đi bộ đường dài), chèo SUP trên sông và khám phá Khu du lịch sinh thái Vàm Sát (Cần Giờ); hay sản phẩm du lịch golf kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Sản phẩm du lịch đường thủy tầm xa có các tuyến như Sài Gòn - Cần Thơ; Sài Gòn - Siem Reap, Sài Gòn - Phnom Penh của Campuchia. Đặc biệt, gần đây, thành phố Hồ Chí Minh còn ra mắt sản phẩm “Saigon River Sightseeing” với phương tiện waterbus (buýt đường sông) đưa du khách thưởng ngoạn thành phố ven sông. Bên cạnh đó, sản phẩm du thuyền ngắm cảnh sông Sài Gòn về đêm và thưởng thức bữa tối cũng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Chia sẻ cảm xúc sau khi trải nghiệm một số dịch vụ, anh Trần Trung Nam, du khách từ Hà Nội cho biết: “Tôi đã thử một số sản phẩm du lịch đường thủy của thành phố Hồ Chí Minh. Những trải nghiệm này cho tôi một cảm nhận rất khác.
Là một trong những đơn vị tích cực phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn cho biết: “Mỗi sản phẩm được thiết kế đều hướng tới những đối tượng khách khác nhau, bao gồm khách học sinh, khách quốc tế và khách thích tìm hiểu văn hóa - lịch sử. Bên cạnh việc khai thác tiềm năng đa dạng của loại hình du lịch đường thủy, những sản phẩm này cũng nằm trong sáng kiến “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” của ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường thủy và góp phần định vị thương hiệu thành phố bên sông”.

Khai thác lợi thế, tạo sự khác biệt

Các tuyến giao thông đường thủy được triển khai đã góp phần giảm tải trong việc vận chuyển hành khách, đồng thời kết hợp phát triển loại hình du lịch đường thủy cho thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố, trên địa bàn hiện có 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm: 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 cano, tàu gỗ nhỏ; có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch trong tổng số 251 cảng, bến thủy nội địa. Nhờ đó, lượng khách du lịch bằng đường thủy đến thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên đạt mức tăng trưởng từ 10 - 20% mỗi năm. Cụ thể, trong 2 năm 2023 - 2024, dự tính lượng khách du lịch đến thành phố bằng đường thủy đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm; doanh thu du lịch đường thủy đạt 300 tỷ đồng/năm, mức tăng trưởng khoảng 10%/ năm.

Để thu hút khách du lịch đường thủy nhiều hơn trong thời gian tới, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Sở đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 3793/KH-UBND ngày 5-8-2024 về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025. Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 cũng xác định việc phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy nhằm tạo sự khác biệt và thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa nhân văn của khách du lịch quốc tế và nội địa.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp với các chuyên gia, doanh nghiệp, các Sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu hệ thống cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch, đánh giá mức độ khả thi của từng tuyến theo từng giai đoạn... Đây sẽ là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố trong giai đoạn tới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu của du khách, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Định vị thương hiệu “Thành phố bên sông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.