Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Chuỗi siêu lây nhiễm tại quận Gò Vấp đã chững lại

Theo Đan Phương/Báo Tin tức| 02/06/2021 20:38

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh chiều 2-6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mức độ lây nhiễm của chuỗi siêu lây nhiễm ở quận Gò Vấp đã chững lại và chưa có dấu hiệu gia tăng.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, mức độ lây nhiễm của ổ dịch siêu lây nhiễm quận Gò Vấp đã chững lại.

Mức độ lây nhiễm tại ổ dịch siêu lây nhiễm quận Gò Vấp đã chững lại

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 18-5 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện 3 ổ dịch, trong đó ổ dịch ở quận 3 và ổ dịch tại một chung cư ở thành phố Thủ Đức đã được kiểm soát, không xuất hiện thêm trường hợp mắc mới, F1 và F2 đều âm tính.

Riêng ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp), từ ngày 26-5 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 240 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2. Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên từ ổ dịch siêu lây nhiễm này đều thuộc biến chủng Ấn Độ.

Đáng lưu ý, sự xuất hiện các chuỗi mới xuất phát từ một bệnh nhân trong chuỗi siêu lây nhiễm quận Gò Vấp được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng với tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã làm cho chuỗi lây nhiễm này phát triển diện rộng. Hiện, thành phố Hồ Chí Minh có 20/22 địa phương có ca mắc Covid-19 cư trú, ngoại trừ quận 11 và huyện Cần Giờ.

Đánh giá về chuỗi siêu lây nhiễm này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, nếu tính từ trường hợp đầu tiên là vợ mục sư có triệu chứng vào ngày 13-5 thì chuỗi lây nhiễm này đã trải qua chu kỳ lây nhiễm 4.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, mức độ lây nhiễm của chuỗi này đã chững lại và chưa có dấu hiệu gia tăng. "Ngày 31-5, thành phố phát hiện 51 trường hợp, trong ngày 1-6 chỉ phát hiện thêm 43 trường hợp và sáng ngày 2-6 là 23 trường hợp", Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh phân tích qua số liệu.

“Trong suốt 5 ngày qua, thành phố ghi nhận 240 trường hợp liên quan đến ổ dịch. Như vậy, trung bình một ngày 50 ca, chưa thấy dấu hiệu gia tăng”, ông Bỉnh nói thêm.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đánh giá, cơ bản trước mắt ngành y tế đã biết mức độ phát tán của ổ dịch này, tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ rất cao vì chưa chắc chắn, chưa loại trừ được.

"Qua báo cáo của Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh và Sở Nội vụ thành phố, hiện có khoảng 145 nhóm hội giáo cấp phường giống như Hội thánh truyền giáo Phục Hưng nằm rải rác tại các quận, huyện trên địa bàn. Thay vì tầm soát mở rộng thì thành phố nên đưa 145 nhóm hội giáo này vào nhóm trọng điểm để tầm soát”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh đề xuất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thành phố triển khai mô hình robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe tự động. Ảnh: TTXVN

Triển khai robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các biện pháp truyền thống, như yêu cầu tất cả cơ sở y tế, nhà thuốc nếu ai đến khám có triệu chứng thì phải khai báo để y tế tiếp cận; thứ hai, thông tin số điện thoại khi người dân có triệu chứng thì điện cho nhân viên y tế; thứ ba, có cơ chế để người dân khi phát hiện ai có triệu chứng thông báo cho cơ quan y tế. 

Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai tầm soát diện rộng. Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, dân cư đông, do đó phải tầm soát có trọng điểm, tầm soát theo ca bệnh, tầm soát những nơi nguy cơ, khu vực có tính toán.

Ngoài việc tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, khuyến khích người dân chủ động khai báo, đến cơ sở y tế khi có triệu chứng, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố triển khai mô hình robot gọi điện hỏi thăm sức khỏe tự động.

Cụ thể, thành phố sẽ lấy dữ liệu của người dân, phân nhóm tùy theo khu vực nguy hiểm và tiến hành gọi điện bằng robot. Robot này sẽ cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân và phát hiện những ai có triệu chứng dịch để ngành y tế kịp thời nắm bắt, xét nghiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai mô hình này tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là biện pháp rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay tại thành phố. Để thông tin thông suốt, ông Dương Anh Đức đề nghị, sau khi robot thu thập dữ liệu, nếu có trường hợp đáng ngại thì sớm có báo cáo cho thành phố vào cuối mỗi ngày để cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai các giải pháp quản lý công nhân trong khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), nhất là sự trợ giúp của công nghệ. "Ngay lúc này, phải siết rất chặt, không may dịch bệnh xảy ra trong KCN thì trở tay không kịp", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Về nguy cơ đối với các KCN, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, thành phố cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 KCN: Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi, Vĩnh Lộc - Hóc Môn và tại Công ty Coats Phong Phú. Những trường hợp này, thành phố Hồ Chí Minh đã khoanh vùng bao vây toàn bộ công ty và đang xét nghiệm các công ty lân cận.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1-6, thành phố đã mở rộng xét nghiệm tại KCN, KCX; trước mắt là khu cung ứng, nơi sản xuất chuỗi linh kiện điện tử với 25.000 mẫu xét nghiệm, dần mở rộng thêm với 280.000 công nhân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, thành phố đang hoàn thiện danh sách công nhân tại các KCN, KCX; cùng với đó, yêu cầu các công nhân cung cấp đầy đủ thông tin liên lạc để thuận tiện trong quá trình truy vết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Chuỗi siêu lây nhiễm tại quận Gò Vấp đã chững lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.