(HNMO) - Tính đến ngày 27-11, thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 5 tuần thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Với những kết quả khả quan sau thời gian thí điểm, ngành Giáo dục thành phố đang chuẩn bị kế hoạch để học sinh lần lượt quay lại trường từ tháng 12-2021.
Mạnh dạn thí điểm thành công
Ngày 20-10, hơn 240 học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9 và 12 của Trường Tiểu học Thạnh An và Trường THCS - THPT Thạnh An thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ được trở lại trường để học trực tiếp sau gần 6 tháng tạm dừng đến lớp và học ở nhà. Vào thời điểm đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong sự vui mừng của các em học sinh khi được đến trường gặp lại bạn bè, thầy cô, có cả sự lo lắng của các bậc phụ huynh.
Bà Lê Thị Gái, bà ngoại em Lê Thị Phương Quy (lớp 1, Trường Tiểu học Thạnh An) chia sẻ: “Gia đình tôi đồng thuận với địa phương và nhà trường cho cháu đi học, nhưng cũng lo. Sau vài ngày đi học, thấy cháu đã có ý thức tuân thủ, lại được các thầy cô sát sao quản lý, gia đình mới yên tâm. Đến nay, mọi việc diễn ra an toàn, tốt đẹp”.
Vào thời điểm Cần Giờ thí điểm cho học sinh đi học trở lại, khu vực này đang là vùng xanh của thành phố Hồ Chí Minh. Xã đảo Thạnh An biệt lập với phần còn lại của Cần Giờ nên được thành phố lựa chọn để cho học sinh 4 khối lớp trở lại trường.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết: “Phải lựa chọn cẩn thận như vậy bởi khi đó, các em học sinh chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Với tiêu chí an toàn là trên hết, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với địa phương tính toán mọi phương án xử lý vấn đề có thể xảy ra”.
Nhờ sự tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị chu đáo như vậy, nên vào tuần thứ ba tổ chức học trực tiếp, khi phát hiện có học sinh nhiễm Covid-19, cả phụ huynh, nhà trường và các bên liên quan đã không bị lúng túng. Cụ thể, vào đợt xét nghiệm hằng tuần ngày 1-11 vừa qua, Ban Giám hiệu Trường THCS - THPT Thạnh An phát hiện 1 em học sinh lớp 6 nhiễm SARS-CoV-2. Cùng với đó, một học sinh ngoại tỉnh kẹt lại địa phương được bố trí đi học tại trường cũng được phát hiện nhiễm Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho biết: “Tình huống này đã nằm trong phương án xử lý phát sinh khi có F0 trong lớp học. Toàn bộ học sinh của lớp học này chuyển qua hình thức học trực tuyến một thời gian. Các khối lớp khác vẫn dạy học bình thường. Những người tiếp xúc gần với người nhiễm được xét nghiệm nhanh. Học sinh nhiễm Covid-19 được đưa đi điều trị. Đủ thời gian theo quy định, tất cả trở lại học trực tiếp bình thường”.
Chuẩn bị kỹ để triển khai diện rộng
Để chuẩn bị cho kế hoạch đưa học sinh cuối cấp trở lại trường trong tháng 12-2021 và đưa toàn bộ học sinh đi học trở lại từ tháng 1-2022, khi bắt đầu học kỳ II năm học 2021-2022, các ngành, các cấp thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều phần việc.
Đầu tiên là việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi cho gần 700.000 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thông tin, tính đến ngày 26-11, thành phố đã tiêm vắc xin Pfizer mũi 1 cho 670.642 em (đạt 100% kế hoạch) và 394.704 em được tiêm mũi 2. Dự kiến, đến tuần đầu tháng 12-2021, thành phố sẽ hoàn tất việc tiêm đủ 2 mũi cho học sinh.
Thứ hai là việc tiếp nhận lại cơ sở vật chất trường học vốn được dùng làm cơ sở y tế điều trị Covid-19 suốt nhiều tháng qua. Theo ông Trịnh Đình Trọng, Trưởng phòng Công tác Chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 26-11, đã có khoảng 800 trong tổng số 945 trường học được bàn giao lại cho ngành Giáo dục để tiến hành sửa chữa, dọn dẹp, sẵn sàng tiếp nhận học sinh.
Thứ ba là theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, học sinh lớp 9 và 12 của thành phố sẽ trở lại trường từ ngày 10-12-2021, sau đó mở rộng sang các khối lớp khác. Mục tiêu là đến học kỳ II năm học 2021-2022, toàn bộ học sinh của thành phố sẽ học trực tiếp tại trường.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Trí Dũng cho biết, ngành Giáo dục đang phối hợp với Sở Y tế hoàn thiện Cẩm nang Hướng dẫn việc dạy và học an toàn với Covid-19, phát tới tay học sinh và giáo viên khi các em trở lại trường.
Chị Vũ Thu Trang có con học lớp 12 Trường THPT Nam Sài Gòn (quận 7) cho biết, nhà trường đã gửi thư xin ý kiến phụ huynh về việc cho các con đi học trực tiếp. “Trong lớp của cháu, phần lớn phụ huynh đồng thuận. Chúng tôi tin tưởng công tác tổ chức cẩn trọng của nhà trường và thành phố. Các cháu học trực tiếp sẽ có kết quả tốt hơn”, chị Thu Trang chia sẻ.
Theo kế hoạch, đầu tháng 12-2021, các trường sẽ tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1, 2, các trường được tổ chức dạy học trực tiếp, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Địa bàn dịch cấp độ 2 và cấp độ 3 được phép dạy học trực tiếp hoặc kết hợp với học trực tuyến, có hạn chế một số hoạt động. Địa bàn cấp độ 4 không được cho học sinh đến trường.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.