Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Cần “lối đi” phát triển xe điện

Hà Tuấn| 16/06/2023 06:44

(HNM) - Tại thành phố Hồ Chí Minh, xe điện ngày càng được người dân và doanh nghiệp sử dụng nhiều với đa dạng chủng loại, từ xe máy, xe taxi đến xe buýt. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách chưa rõ ràng để phát triển loại phương tiện xanh, sạch này.

Xe taxi điện chính thức lăn bánh tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Tuấn

Nhu cầu lớn

Là phương tiện công cộng chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh, việc đưa xe buýt điện vào hoạt động từ tháng 3-2022 đã đánh dấu bước đột phá mới trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng. Tuyến xe buýt điện mang số hiệu D4 (khu dân cư Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) đã trở thành phương tiện quen thuộc của người dân khi di chuyển hằng ngày. Ngoài tuyến trên, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus đang đề xuất thí điểm 4 tuyến xe buýt điện tại thành phố Hồ Chí Minh gồm Vinhomes Grand Park - Trung tâm thương mại Emart; Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất; Vinhomes Grand Park - Bến xe miền Đông mới; Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia.

Cách đây hơn 1 tháng, xe taxi điện chính thức lăn bánh tại thành phố Hồ Chí Minh. “Ưu điểm của xe taxi chạy bằng điện là không nghe tiếng ồn, mùi xăng dầu, vận hành êm ái, khoang nội thất rộng rãi”, khách hàng Đỗ Nam Hải (quận Phú Nhuận) chia sẻ. Còn tài xế taxi điện Nguyễn Minh Thắng (quận 8) đánh giá, trong quá trình chạy taxi điện đôi lúc cũng gặp một số sự cố nhỏ về pin, lỗi kỹ thuật, cách thức vận hành, nhưng được nhân viên kỹ thuật của công ty có mặt khắc phục nhanh chóng...

Cũng trong xu thế đó, đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lương điện vận chuyển khách tham quan, du lịch tại thành phố vừa được Công ty TNHH Saigon Public Transport hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung để trình UBND thành phố thông qua. Nếu thuận lợi, năm 2023 sẽ có thêm loại hình xe điện mới hoạt động tại trung tâm.

Không những vậy, mới đây, hãng Gojek đã hợp tác với Dat Bike đưa xe máy điện vào vận chuyển hành khách. Theo Gojek, ngoài dịch vụ xe ôm công nghệ, GoFood (giao thức ăn) và GoSend (giao hàng) cũng sẽ được thí điểm sử dụng xe máy điện. Giám đốc Điều hành (CEO) Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết: “Chúng tôi mong muốn thông qua thí điểm sẽ hướng người dân dùng nhiều hơn nữa, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phương tiện xanh, vì một môi trường trong lành hơn”.

Xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển

Để xe điện phát triển sâu rộng tại thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần nghiên cứu kỹ để xây dựng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mua và chuyển đổi phương tiện chạy bằng điện, bao gồm cả phương án trợ giá đủ sức hấp dẫn người mua và hỗ trợ thuế, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Ngọc Hải nêu, để khuyến khích nhà đầu tư phát triển các loại hình xe điện, thành phố đã, đang và sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Liên quan đến nguồn điện để phát triển các trạm sạc pin, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) Nguyễn Văn Thanh khẳng định: "Ngành Điện lực cam kết với lãnh đạo thành phố cùng nhà đầu tư sẽ đáp ứng đủ nguồn điện phục vụ. Đến nay, thành phố có khoảng 400 trạm sạc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây tăng lên 1.000 trạm sạc và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ nhà đầu tư nào muốn hợp tác với thành phố trong việc phát triển xe điện”.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết, ngành Giao thông đang xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển xe điện, dự kiến hoàn chỉnh trong tháng 7-2023, trình thường trực UBND thành phố xem xét và cho ý kiến chỉ đạo, ưu tiên phát triển xe buýt điện, taxi điện. Bên cạnh đó, Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch dự kiến chuyển đổi xe mô tô điện ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa.

Ngoài ra, theo ông Trần Quang Lâm, thành phố đặt mục tiêu từ năm 2025, toàn bộ xe buýt được thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh, đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân. Từ năm 2030, tỷ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, sử dụng 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Trước mắt, ngay trong năm 2025, sẽ có 100% xe vận tải hành khách công cộng tại huyện Cần Giờ là xe điện, xe năng lượng xanh...

"Ngành Giao thông đã tham mưu thành phố đề xuất Quốc hội cho phép địa phương quyết định hỗ trợ ngân sách để thu mua, hỗ trợ chuyển đổi từ xe năng lượng hóa thạch sang xe điện. Cùng với đó, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xe taxi, xe buýt, ô tô mua sắm công của các cơ quan nhà nước sang xe điện", ông Trần Quang Lâm khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Cần “lối đi” phát triển xe điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.