Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh cần bài toán tổng thể giải quyết ngập do mưa

Minh Tuấn 23/05/2024 - 09:42

Mới có những cơn mưa đầu mùa nhưng nhiều khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh đã rơi vào cảnh ngập úng. Điều này cho thấy, dù thành phố đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn cần các giải pháp tổng thể để giải quyết ngập do mưa hiệu quả hơn.

ngap4.jpg
Cơn mưa chiều 20-5 khiến đường Đặng Thị Rành ngập sâu, nước tràn vào cả nhà dân. Ảnh: Hà Tuấn.

Nhiều nơi ngập nặng sau mưa

Cơn mưa lớn kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ chiều 20-5 khiến nhiều đoạn trên các tuyến đường tại thành phố Thủ Đức như Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành… ngập đến yên xe máy, nước tràn vào nhà dân. Thậm chí, tại khu vực chợ Thủ Đức, cống thoát nước bị bung nắp, khiến người dân di chuyển rất khó khăn, nguy hiểm chực chờ.

Tương tự, nhiều khu vực trên địa bàn quận 5, quận 8, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, cũng ngập sâu 20 - 50cm, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Mai Hữu Quyết nguyên nhân gây ngập là do lượng mưa lớn vượt công suất thiết kế của cống thoát nước. Ngoài ra, khu vực xung quanh chợ Thủ Đức là vùng trũng, cao độ chênh lệch 20m so với khu vực ngã tư Thủ Đức nên khi mưa lớn nước đổ dồn về gây ngập.

Trên bình diện toàn thành phố, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh Vũ Văn Điệp cho hay, hệ thống cống thoát nước của thành phố chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng lượng mưa lớn, thậm chí, nhiều tuyến đường chưa có hệ thống gom nước. Trong 5 năm qua, hầu như năm nào thành phố cũng chứng kiến nhiều trận mưa hơn 100mm, thậm chí hơn 150mm. Còn trước năm 2000, những trận mưa hơn 95mm chỉ đến với chu kỳ 5 năm một lần.

ngap1.jpg
Những cơn mưa đầu mùa khiến nhiều khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh ngập sâu trong nước. Ảnh: Hà Tuấn.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cống thoát nước lạc hậu, dự án giải quyết ngập manh mún khiến thành phố Hồ Chí Minh chưa thể hết ngập. Không những vậy, hiện nay, tình trạng lún nền đất tại thành phố đang diễn ra, trung bình khoảng 2cm mỗi năm, có nơi đến 6cm, khiến cho thành phố đối mặt tình trạng ngập lụt thường xuyên.

Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố, hiện thành phố hiện còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa, gồm: Quốc lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức); Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Quang Trung (quận Gò Vấp); Phan Anh (quận Tân Phú); Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) và Bạch Đằng (quận Bình Thạnh).

Cần giải pháp tổng thể

Để giải quyết ngập, theo PGS.TS Hồ Long Phi, thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện song song giải pháp công trình và phi công trình. Bên cạnh đó, cần cập nhật và điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với tình hình phát triển đô thị cũng như biến đổi khí hậu hiện nay. Thành phố cũng cần tập trung cho công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư vào các dự án chống ngập. Đặc biệt, cần áp dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 vào công tác giải quyết ngập.

ngap3.jpg
Giải quyết ngập do mưa cho thành phố Hồ Chí Minh cần bài toán tổng thể và toàn diện hơn. Ảnh: Hà Tuấn.

Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2024 - 2025, trong đó có kế hoạch xóa các tuyến đường ngập do mưa trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi công ba dự án giải quyết ngập do mưa tại quận Gò Vấp, gồm: Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung và cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ.

Đồng thời, thành phố chuẩn bị đầu tư 7 dự án, gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (thành phố Thủ Đức); nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn (huyện Bình Chánh); nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu (quận 6); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (quận Tân Bình); cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A và xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh (quận Tân Phú).

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết, thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều dự án cải tạo hệ thống thoát nước; nạo vét, mở rộng kênh rạch. Trong đó có 5 công trình lớn là dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân; xây dựng hệ thống thoát nước đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân; mở rộng rạch Cầu Ngang; mở rộng rạch Thủ Đức; dự án điều tiết triều cường Thủ Đức.

tlbc.jpg
Dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dự kiến hoàn thành năm 2025 sẽ góp phần giải quyết ngập do mưa cho thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Tuấn

Về giải pháp căn cơ, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Lý Thanh Long cho biết, ngoài dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang xây dựng với tổng vốn 8.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Theo kế hoạch, vào tháng 8-2024, thành phố sẽ khởi công dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) với tổng vốn hơn 9.600 tỷ đồng và hoàn thành năm 2028.

Bên cạnh đó, phấn đấu khởi công trong năm 2025 đối với các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát và tại lưu vực Tây Sài Gòn.

Trước mắt, nhằm đảm bảo tiêu thoát nước, giảm ngập, thành phố sẽ thực hiện duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả, lắp đặt bổ sung cống, lắp đặt cửa thu nước kiểu mới để tăng cường khả năng thoát nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh cần bài toán tổng thể giải quyết ngập do mưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.