(HNMO) - Chiều 6-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã đồng chủ trì cuộc họp liên quan đến việc phối hợp nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực GT-VT trên địa bàn thành phố.
Theo Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện, thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GT-VT, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, đầu tư, phát triển hệ thống GT-VT Thủ đô nhằm giảm thiểu ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Về hạ tầng, thành phố đã và đang đầu tư nhiều tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị và các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, vành đai 2 đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng, vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng - quốc lộ 1A, vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Chúc Sơn, đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng BT... Bộ GT-VT cũng đang phối hợp với thành phố Hà Nội triển khai đầu tư các tuyến cao tốc: Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2), Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Ba Vì - Việt Trì, vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...
Công tác quản lý hoạt động vận tải từng bước đi vào nền nếp theo hướng công khai, minh bạch, chất lượng và hiệu quả hơn. Thành phố đã rà soát, điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại các bến xe theo đúng định hướng quy hoạch của Bộ GT-VT, góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại một số tuyến đường vành đai và xuyên tâm; mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được điều chỉnh và mở rộng vùng phục vụ, chất lượng dịch vụ được nâng cao với 111 tuyến, phủ kín mạng lưới xe buýt trợ giá đến toàn bộ 30 quận, huyện.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt với 6 nhóm giải pháp. Nhờ đó, số điểm ùn tắc đã giảm từ 124 điểm năm 2010 xuống còn 37 điểm năm 2017. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương... Những kết quả này có được là nhờ sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả giữa thành phố và Bộ GT-VT.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để Bộ GT-VT sớm hoàn thành các dự án trọng điểm như đường vành đai 3 trên cao, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...
Về các nhiệm vụ xử lý xe quá khổ, quá tải, xe "dù", bến "cóc", xe khách chạy xuyên tâm..., thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng liên quan tập trung xử lý nghiêm. Hà Nội cũng đề nghị áp dụng thống nhất một loại biển màu vàng cho xe kinh doanh để thuận tiện hơn cho công tác quản lý, loại bỏ xe hợp đồng trá hình; kêu gọi xã hội hóa đầu tư trên 100 trạm quan trắc không khí để có căn cứ khoa học tuyên truyền đến người dân về quản lý ô tô, xe máy theo tiêu chuẩn khí thải...
Về hạ tầng, thành phố đề nghị Bộ GT-VT sớm có quy hoạch và phương án sửa chữa, cải tạo cầu Đuống, nâng độ cao tĩnh không phục vụ giao thông đường thủy; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông); đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi). Đối với các tuyến đường sắt do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, thành phố đề nghị Bộ GT-VT tiếp tục thống nhất, đồng thuận với thành phố về các cơ chế, giải pháp thực hiện liên quan đến hạ tầng, chủ trương đầu tư xây dựng, điều chỉnh dự án cũng như hiệp định vay vốn để trình Chính phủ phê duyệt; sớm hoàn thiện và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị để bảo đảm tính đồng bộ từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành công trình. Thành phố cũng đề nghị Bộ GT-VT triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao theo quy hoạch giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 3 và đường Cổ Linh. Nếu Bộ GT-VT chưa cân đối được nguồn lực đầu tư thì chuyển giao nhiệm vụ về cho Hà Nội đầu tư để sớm khớp nối, bảo đảm an toàn giao thông. Bộ GT-VT sớm hoàn chỉnh quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới quy hoạch, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và cùng với Hà Nội báo cáo Chính phủ cho phép thành phố triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch...
Cùng với đó, Hà Nội đề nghị Bộ GT-VT báo cáo Chính phủ bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP quy định quản lý chặt chẽ hơn xe hợp đồng nói chung và thống nhất với Hà Nội trong việc đưa ra các quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của taxi truyền thống; quy định xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin phải được quản lý tương tự như taxi; phối hợp với thành phố xây dựng và ban hành quy chế quản lý xe taxi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của taxi truyền thống, góp phần giảm ùn tắc giao thông và đủ sức cạnh trạnh với taxi công nghệ...; quy định chủ xe ô tô phải lắp đặt thiết bị thu phí tự động và mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí và xử lý vi phạm...
Đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng như sự phối hợp chặt chẽ với Bộ GT-VT thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định sự thống nhất với những đề xuất, kiến nghị của thành phố để cùng triển khai thực hiện. Bộ cũng mong muốn, Hà Nội với cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô đẩy mạnh thí điểm một số lĩnh vực, Bộ GT-VT hoàn toàn ủng hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.