Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hà Nội: Quan tâm chăm lo người có công

Hà Hiền| 01/09/2021 06:13

(HNM) - Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021), thêm một lần nhìn lại để thấy rằng, thành phố Hà Nội luôn chú trọng thực hiện công tác tri ân người có công, chăm sóc, bảo đảm đời sống cho người có công và thân nhân. Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sự quan tâm, chăm lo đó càng được thể hiện rõ nét thông qua những hành động, việc làm thiết thực.

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Ổn định đời sống ngoài cộng đồng

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thành phố hiện quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với gần 800.000 người có công, trong đó có gần 86.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Nhờ triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách tri ân, nên đời sống của người có công trên địa bàn thành phố ngày càng ổn định. “Đến nay, Hà Nội cơ bản không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở hay phải sống trong cảnh nghèo”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho hay.

Góp phần bảo đảm đời sống cho người có công và thân nhân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội vừa có quyết định hỗ trợ đặc thù cho gần 73.000 người có công với số tiền gần 73 tỷ đồng (1 triệu đồng/đối tượng). Để nguồn lực hỗ trợ kịp thời đến với người thụ hưởng, các địa phương đã xây dựng các phương án chi hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Mạnh, nhiều trường hợp người có công tuổi cao, đi lại khó khăn, nên quận đã tiến hành chi trả cho người thụ hưởng theo nhóm nhỏ hoặc trao tại nhà.

Tương tự, tại huyện Hoài Đức, các lực lượng chức năng đã mang nguồn lực hỗ trợ đến tận nhà các gia đình người có công. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tiền Yên Nguyễn Đình Vui chia sẻ: “Dù trời mưa gió, chúng tôi vẫn cố gắng đến từng gia đình để trao kinh phí cho người hưởng”. Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Viết Nhương, thôn Yên Thái, xã Tiền Yên xúc động nói: “Toàn thành phố đang tập trung phòng, chống dịch, nhưng vẫn dành sự quan tâm đến người có công. Đây là nguồn động viên lớn để chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Ngoài nguồn hỗ trợ trực tiếp, các chính sách khác nhằm bảo đảm đời sống cho người có công như ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm cho thành viên gia đình người có công; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công... tiếp tục được các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện. Đặc biệt, dịp Quốc khánh 2-9 này, Hà Nội dành hơn 3,8 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà người có công. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc chi kinh phí hỗ trợ đặc thù và trao quà đến tay người thụ hưởng.

Chi trả tiền hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội cho người có công tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức).

Ấm áp trong những ngôi nhà chung

Với các trường hợp người có công và thân nhân sống lâu dài tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, dịp này cũng nhận được sự chăm sóc ân cần, chu đáo.

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, bà Đỗ Thị Bức, 83 tuổi, là vợ liệt sĩ chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi không thiếu thốn gì. Ngoài những bữa ăn chính trong ngày, tôi còn được uống sữa bổ sung dinh dưỡng, uống thuốc bổ để tăng sức đề kháng; được hướng dẫn tập thể dục, tự chăm sóc sức khỏe”.

Phó Trưởng phòng Y tế và Điều dưỡng, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội Nguyễn Thị Vân cho hay: “Để bảo đảm an toàn cho đối tượng, chúng tôi luân phiên trực 24/24 giờ tại đơn vị. Việc cùng ăn, ở, sinh hoạt với người có công, giúp chúng tôi hiểu rõ tình trạng sức khỏe của từng người, từ đó có phương án chăm sóc cho phù hợp. Đến nay, 25/25 người có công ở lại ngôi nhà chung được bảo đảm an toàn về mọi mặt”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (phường Biên Giang, quận Hà Đông) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trung tâm là ngôi nhà chung của 4 thương binh, bệnh binh nặng trong hơn 20 năm qua. Dịp này, các cán bộ, nhân viên luân phiên ở lại đơn vị để chăm sóc thương binh Nguyễn Thành Đô và bệnh binh nặng Lê Văn Tý. Cùng với đó, trung tâm đã cử nhân sự vào Bệnh viện trung ương Quân đội 108 để chăm sóc cho thương binh Nguyễn Quốc Hùng đang điều trị do vết thương tái phát; phối hợp với gia đình quan tâm đến sức khỏe của thương binh Nguyễn Đăng Đức (về thăm nhà, tại quận Nam Từ Liêm, chưa trở lại trung tâm).

Bà Nguyễn Thị Thái, vợ bệnh binh nặng Lê Văn Tý bộc bạch: "Vợ chồng tôi sống ở trung tâm được gần 20 năm nay và luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo chu đáo từ những việc nhỏ nhưng thiết thực trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, tất cả các trung tâm có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công và thân nhân trên địa bàn thành phố đều có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cùng ăn, ở, sinh hoạt với đối tượng. Với người có công, ngoài chế độ thường xuyên, mỗi người được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Trong mọi hoàn cảnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn coi việc chăm lo đời sống cho người có công là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hà Nội: Quan tâm chăm lo người có công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.