(HNMO) - Đây là chủ đề chính của chương trình Cafe doanh nhân số 3-2022 do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố, tổ chức ngày 30-9, tại Hà Nội.
Tại chương trình, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố nhấn mạnh, 8 tháng của năm 2022, bức tranh kinh tế của Hà Nội phục hồi và phát triển rõ nét, tiêu biểu như: Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 992,3 triệu USD.
Kết quả đó có được nhờ thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, thành phố luôn xác định các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực là một trong các lực lượng tiên phong, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô.
Bởi vậy, chương trình Cafe doanh nhân số 3-2022: “Thành phố Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực” là nhằm gặp gỡ, đối thoại giữa Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Trong khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp tham dự đã có cuộc trao đổi cởi mở nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế Thủ đô, nhất là phát huy những thế mạnh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội.
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, cũng gợi mở những ý tưởng để phát triển tiềm năng các làng nghề. Theo bà Vinh, hiện nay, các làng nghề truyền thống của Hà Nội có nhiều nhưng chưa phát huy hết thế mạnh, để thúc đẩy điều này, thành phố nên thành lập những tổ chức tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực như văn hóa, xây dựng… đồng thời, chọn một vài làng nghề để phân tích, đánh giá những mặt được và chưa được, đề ra giải pháp để lan tỏa giá trị các sản phẩm truyền thống làng nghề.
Cũng tại chương trình, Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội cũng đã giải đáp những thắc mắc của một số doanh nghiệp liên quan đến zoom tín dụng, tỷ giá và lãi suất hiện nay; khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp để đầu tư cho dây chuyền sản xuất.
Đại diện các đơn vị đã nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần cung cấp cụ thể thông tin về hoạt động của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.