Trong suốt nghìn năm, một thành phố ở Hà Lan đã thay tên 225 lần để có được tên gọi Leeuwarden như ngày nay.
Với tên gọi Ljouwert, Liwwadden cùng hàng trăm "biến thể" khác trong 10 thế kỷ qua, Leeuwarden được Guinness công nhận là thành phố thay đổi nhiều tên nhất thế giới. Thủ phủ của tỉnh Friseland ở Hà Lan này hiện là Thủ đô Văn hóa Châu Âu 2018.
Theo BBC, từ giữa thế kỷ 11 đến 19, nơi đây được biết đến với biệt danh "thành phố trăm tên". Một số cái tên khác từng được đặt trước đây là Louwert, Leewadden, Luwt, Leaward hoặc Leoardia...
Cách viết tên thành phố Lauuwarden theo từng năm trong suốt 100 năm. Ảnh: BBC. |
Từ thế kỷ thứ 10, khi bắt đầu thay đổi tên liên tục, đến nay, thành phố đã thay tên 225 lần, chứ không chỉ 100 lần như biệt danh của nó.
Friseland là tỉnh song ngữ, người dân nói hai thứ tiếng: Tiếng Frisia và tiếng Hà Lan. Do vậy, Leeuwarden sẽ có hai cách gọi là Ljouwerd (theo tiếng của người Frisia) và Leeuwarden (tiếng Hà Lan). Ngoài ra, trong thành phố có hai ngôn ngữ địa phương, nên sẽ có tên gọi khác là Leewwadden và Liwwadden.
Trước năm 1804, Leeuwarden không có cách gọi chính thức và mỗi người đều viết tên thành phố theo cách mà họ phát âm. "Bạn có thể viết tên thành phố là Ljouwerd hay Ljouwert, vì chữ d và t phát âm giống nhau, hoặc bạn có thể viết là Lyouwerd, Ljouwerd hay Liouwerd. Đơn giản vì chúng không được phiên âm chính xác", Siart Smit, giám đốc dự án về ngôn ngữ Lân fan taal, nói về việc thay đổi tên quá nhiều lần của thành phố.
Vì lý do trên, Leeuwarden đã "tích lũy" được rất nhiều tên gọi qua các thế kỷ. Ví dụ như trong vòng 20 năm, từ 1500 đến 1520, cách đánh vần tên thành phố đã thay đổi 10 lần, cứ hai năm một lần.
Vào năm 1838, Wopke Eekhoff, con trai của một người thợ bạc làm công việc chuyên viên lưu trữ của thành phố đã bắt đầu tập hợp các tên gọi này. Anh đã làm việc không biết mệt mỏi và ghi chép 400 trang về lịch sử nơi mình sinh sống. Qua đó, Eekhoff đã tìm thấy, cái tên đầu tiên của thành phố là Livnvert, xuất hiện vào năm 1039 và vào năm 1846, nó được viết là Luweden.
Đến cuối thế kỷ 19, cả hai Viện Khoa học Hoàng gia Hà Lan và Viện Địa lý Xã hội Hoàng gia Hà Lan xuất bản một danh sách về cách viết các địa danh của đất nước, dựa theo đúng chuẩn chính tả hiện đại. Nhờ đó, cả tiếng Hà Lan và Frisia mới có cách viết thống nhất nhưng không chính thức.
Nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh phía tây bắc của đất nước, Friseland bao quanh 3 mặt là các bãi bùn, vùng đất ngập nước và biển Wadden. Phù hiệu của Leeuwarden, xuất hiện trên cờ và các tòa nhà chính phủ là một con sư tử vàng, phía trên là hình vương miện, nổi bật trên nền xanh da trời. Ảnh: BBC. |
Theo lý giải của người dân bản địa, đến nay, chính phủ Hà Lan vẫn chưa bao giờ ban hành một cách chính thức về cách viết tên chuẩn hóa của các thị trấn và ngôi làng. Vì vậy, kể từ đầu thế kỷ 20, người dân đã ngầm coi tên thành phố chuẩn là Leeuwarden theo tiếng Hà Lan và Ljouwert theo tiếng Frisia.
"Hầu hết du khách đều nghĩ Leeu có nghĩa là sư tử, và cái tên Leeuwarden nghĩa là "thành phố sư tử". Nhưng điều này không đúng", hướng dẫn viên du lịch địa phương Christina Volker cho biết. Trên thực tế, tên của thành phố được bắt nguồn từ Leeuw - không có gió và warden - những ngọn đồi nhỏ.
Đến nay, người Hà Lan vẫn coi Friseland như một quốc gia khác. Những căn nhà có mái thoai thoải, những con kênh uốn lượn và các làn đường dành riêng cho xe đạp ở đây không khác gì mọi nơi khác trên đất nước Hà Lan. Thế nhưng cuộc sống ở đây lại chậm hơn rất nhiều. Người dân sống một cuộc sống không vội vã, điềm tĩnh. Họ cũng ý tứ và ít thẳng tính hơn những người đồng bào sống ở phía nam đất nước.
Thủ đô Văn hóa Châu Âu là thành phố được Liên minh Châu Âu lựa chọn tổ chức một chuỗi sự kiện văn hóa đa dạng trong thời gian một năm. Năm 2017, thành phố Aarhus của Đan Mạch được chọn là Thủ đô Văn hóa Châu Âu. Năm 2018 là Leeuwarden của Hà Lan. Năm 2019, danh hiệu này thuộc về hai thành phố: Matera của Italia và Plovdiv của Bulgaria. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.