Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh lý xe công: Minh bạch, tránh thất thoát

Đức Anh| 15/03/2017 07:16

(HNM) - Thông tin về việc năm 2016, qua thanh lý 761 xe công, số tiền ngân sách nhà nước thu về chỉ là 35,15 tỷ đồng khiến dư luận đặc biệt quan tâm...


Hà Nội đang làm thủ tục đấu giá ô tô công dôi dư theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch. Ảnh: Phương Nhung


Thanh lý giá bèo?

Thống kê mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, sau khi rà soát ô tô công trên cả nước đã dôi dư 2.041 xe phải thanh lý. Tính đến hết năm 2016, các đơn vị đã thanh lý 1.100 xe, trong đó báo cáo về Bộ Tài chính 761 xe thanh lý, thu về 35,15 tỷ đồng, bình quân 46,2 triệu đồng/xe. Tháng 6-2016, câu chuyện thanh lý xe công từng khiến dư luận xôn xao khi Bộ Tài chính công bố trong nửa năm trước đó, các đơn vị báo cáo thanh lý 264 ô tô. Toàn bộ số xe này nguyên giá là 79,68 tỷ đồng, nhưng trị giá còn lại khi thanh lý chỉ 390 triệu đồng, bình quân 1,48 triệu đồng/xe.

Về vấn đề thanh lý xe công, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho biết, khi khấu hao ô tô công hết, hoặc không còn đủ điều kiện sử dụng, sẽ được thanh lý qua đấu giá công khai. Tiền thu được sẽ nộp về ngân sách nhà nước (NSNN). Hiện, các quy định về thanh lý, đấu giá tài sản công đều có đầy đủ, phân cấp từ khâu định giá, thông báo mời thầu, tổ chức đấu giá… Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công chịu trách nhiệm quyết định và giám sát tài sản thanh lý (trong đó có xe công). Với số xe dôi dư sau rà soát, Bộ Tài chính đề xuất trước tiên là bán chỉ định cho chức danh được xe công đưa đón nếu có đề xuất mua lại.

Sau đó, mới điều chuyển thay xe cũ, hoặc bán đấu giá. Những người được đề xuất ưu tiên mua lại xe công có chức danh, hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên và tương đương.

Trước những băn khoăn của dư luận về việc giá xe công thanh lý chỉ trung bình là 46,2 triệu đồng/xe, Bộ Tài chính cho biết, đây là số tiền bình quân sau khi thanh lý 761 xe công thu về 35,15 tỷ đồng đã được nộp vào NSNN, hoặc được đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật. Qua rà soát, số liệu tại báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính thấy còn 90 xe báo cáo đã thanh lý, nhưng chưa có thông tin báo cáo số tiền thu được về Bộ Tài chính. 17 xe báo cáo đã thanh lý (trong đó có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề), không thu được tiền. 183 xe đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe lada, xe uoat, xe gaz,...) chỉ thu được 5,4 tỷ đồng. Vì vậy, đây chỉ là thông tin ban đầu, chưa phản ánh đầy đủ việc thanh lý tài sản là ô tô công.

Minh bạch thông tin

Đánh giá về việc thanh lý xe công thời gian qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc thanh lý xe công cần được tổ chức công khai, minh bạch. Thậm chí, trước khi đấu thầu, thanh lý xe cần có cơ quan độc lập để định giá, công khai thông tin về điều kiện đấu thầu, những ai được quyền mua…

Riêng ở Hà Nội, với hơn 400 ô tô công phục vụ công tác chung cho các chức danh lãnh đạo tại các đơn vị trực thuộc thành phố, sau khi thí điểm khoán xe công tại 8 đơn vị, dự kiến sẽ có gần 50 xe biển xanh được bàn giao lại cho thành phố, trong đó 33 xe sẽ được thanh lý, 12 xe sắp hết niên hạn sử dụng. Ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết: Xe còn niên hạn dưới 15 năm sử dụng sẽ điều chuyển cho các đơn vị còn thiếu phương tiện theo tiêu chuẩn, ưu tiên cho trường học, bệnh viện. Đối với xe đã hết niên hạn 15 năm sử dụng, thành phố sẽ thanh lý theo quy định. Việc thanh lý sẽ theo phương thức đấu giá, công khai, sát với trị giá thực của phương tiện. Đơn cử, tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, theo văn bản yêu cầu của Sở Tài chính, sở này và 7 đơn vị thuộc diện thí điểm khoán xe công sẽ xây dựng danh mục xe thanh lý, miêu tả chi tiết xe, đăng ký, năm mua… trình Sở Tài chính thẩm định. Sau khi được Sở Tài chính phê duyệt, sẽ lên phương án thanh lý. Khi thanh lý, sẽ có đơn vị thẩm định giá độc lập và công khai đấu giá, người dân cũng có thể tham gia.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, xe công sau khi sắp xếp, cắt giảm không thể gọi là thanh lý, mà là bán tài sản nhà nước dôi dư. Do vậy, nếu xe vẫn còn dùng tốt thì trị giá vẫn lớn. Việc ưu tiên bán chỉ định cho cán bộ có nhu cầu là không nên, bởi như vậy sẽ không bảo đảm công bằng. Quy định bán đấu giá được lập ra là để bảo đảm công khai, minh bạch, mọi người đều có cơ hội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh lý xe công: Minh bạch, tránh thất thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.