Chiều 11/7, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tư pháp đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và theo dõi thi hành pháp luật.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước.
Chiều 11/7, Bộ Tư pháp đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Một trong những nhiệm vụ quan trọng về quản lý xử lý vi phạm hành chính, Cục có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính; cho ý kiến về việc áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quyết định thanh tra việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tham gia việc thanh tra theo quy định của pháp luật…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, đồng thời khẳng định một bước phát triển mới về cơ chế pháp lý bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính Nhà nước ở nước ta phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013. Đồng thời, bảo đảm cho công tác xử phạt, xử lý đúng pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cần nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức cán bộ, công việc để có thể triển khai một cách đồng bộ, bài bản các nội dung của nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần vào việc bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Tại buổi lễ, Bộ Tư pháp đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Sơn làm Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.