Nghị quyết và Cuộc sống

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Tiến Thành 07/03/2024 - 12:53

Sáng 7-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ sáu và kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

hoinghi1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Dự hội nghị còn có lãnh đạo Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ, các ủy ban của Quốc hội.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

tranthanhman.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hội nghị sẽ tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết, trong đó quy định những nội dung rất quan trọng nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn.

Gần 400 nội dung cần được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, chủ yếu trong việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu và kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV.

nguyenkhacdinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, đối với việc triển khai Luật Đất đai, cần khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định về 104 nội dung Luật giao Chính phủ, các bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024 và 8 luật được sửa đổi, bổ sung tại Luật Đất đai năm 2024.

tranluuquang.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thông tin về tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Chính phủ.

Báo cáo về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ sáu, kỳ họp bất thường lần thứ năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản (29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư) để quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết.

“Hiện nay, các bộ được giao chủ trì soạn thảo đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với quyết tâm cao nhằm bảo đảm về tiến độ và chất lượng của văn bản”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua đề nghị xây dựng một số luật về thuế để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, 2025.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang xem xét Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; nghiên cứu, xây dựng mới dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố…

vuhongthanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tham luận.

Chi phí phát triển các dự án bất động sản có thể tăng

Tham luận tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật. Trong năm 2024, dự kiến sẽ ban hành 9 nghị định, 6 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Các cơ quan của Quốc hội sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai, bảo đảm các nghị định, thông tư phải quy định chi tiết, đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và hệ thống pháp luật.

hoinghi2.jpg
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định, theo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu, chi phí phát triển các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở có thể tăng lên khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ đầu năm 2025 do việc định giá đất sát với giá trị thị trường hơn.

“Vì vậy, đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở như tập trung phát triển mạnh nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án phát triển nhà ở để tăng nguồn cung, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng “nóng”, “sốt ảo”", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Bên cạnh tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng tiến hành thảo luận về công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai nhiệm vụ; thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp khả thi nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống.

vuongdinhhue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận hội nghị.

Không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu và kỳ họp bất thường thứ năm đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai hiệu quả công tác thi hành pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành; bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản..., không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện.

Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.

hoinghi3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, trong quá trình triển khai thi hành pháp luật, Chính phủ tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch bổ sung 19 nhiệm vụ lập pháp mới, nâng tổng số nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 156, trong đó, đã hoàn thành 115/156 nhiệm vụ (73,7%), còn 41 nhiệm vụ đang triển khai hoặc cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát.

Với khối lượng rất lớn nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ; kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đòi hỏi của thực tiễn; tiếp tục khẳng định sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.

hanoi.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố.

Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Sở Tư pháp, với vai trò cơ quan thường trực, tiếp thu, tham mưu triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn thành phố; trong đó tập trung vào các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.