(HNMO) - Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở khá trầm lắng.
Theo đó, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ phát hành mới tổng cộng 715 tỷ đồng trên kênh mua kỳ hạn, trong đó 11 tỷ đồng cho kỳ hạn 7 ngày và 705 tỷ kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 4,5%/năm nhằm tài trợ cho khoản đáo hạn trên kênh này. Khối lượng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày đáo hạn đạt 24,8 nghìn tỷ đồng và nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 25 nghìn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm xuống còn 16,9 nghìn tỷ đồng và sẽ đáo hạn hết trong tuần này.
Đối với kênh cầm cố, khối lượng đang lưu hành hầu như đi ngang ở 1,4 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản dồi dào giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp (3,8 – 4,0% cho kỳ hạn qua đêm và 4,3 - 4,7% trong khi đó ổn định ở các kỳ hạn dưới 1 tháng).
Cũng theo các chuyên gia của SSI, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu do 3 nguyên nhân chính. Đó là, đối với doanh nghiệp sản xuất có đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có tình hình tài chính suy yếu dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng, còn với doanh nghiệp bất động sản thì nhu cầu giảm sút do nhiều dự án gặp khó khăn pháp lý.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt mặt bằng lãi suất, trong đó, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) khoảng 12,5%/năm, giảm khoảng 2,2%/năm so với cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn khoảng 2 %/năm so với năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.