(HNM) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định luôn xung kích đi đầu trên các mặt trận chính trị, quân sự, binh vận… 45 năm đã trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những chiến sĩ Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định. Những câu chuyện, những kỷ niệm không bao giờ phai của họ giúp thế hệ sau hiểu hơn về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền
Từ cuối năm 1974 đầu năm 1975, Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định (Thành đoàn) được chỉ thị chuẩn bị tham gia nổi dậy khởi nghĩa trong nội thành: Tổ chức lực lượng bám sát các khu xóm lao động nhằm phát động khởi nghĩa ở 5 khu vực trọng yếu và rất khó thâm nhập là Bàn Cờ - Vườn Chuối (quận 3); Cầu Bông - Gia Định; Phú Nhuận (Gia Định); Khánh Hội, Vĩnh Hội (quận 4) và Tân Sơn, Tân Phú (quận Tân Bình). Lúc này, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định điều động nhiều cán bộ Thành đoàn tăng cường cho các địa bàn quan trọng.
Với tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định “Thời cơ ba mươi năm mới có một lần”, Thành đoàn khẩn trương và bí mật triển khai lực lượng phụ trách 5 điểm khởi nghĩa, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại các khu vực nội thành trước khi chính quyền ngụy Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Theo đồng chí Phạm Chánh Trực - người được Thành ủy điều động về quận 11 trong thời kỳ Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thành đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trong giờ phút lịch sử, cùng cấp ủy các quận nội thành phát động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền cơ sở, làm tan rã ngụy quyền, tê liệt trung tâm đầu não của địch; hỗ trợ đội chủ lực và các mũi nhọn tổng tiến công, giải phóng Sài Gòn.
Là cán bộ Thành đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Trần Thiện Tứ nhớ lại, tháng 3-1975, ông là thành viên Ban Nghiên cứu Thành đoàn đang công tác ở căn cứ Long Khánh (Đồng Nai). Trong chiến dịch, ông được phân công vào cánh quân của đồng chí Phạm Chánh Trực về tham gia giải phóng và tiếp quản quận 11. “Đến ngày 28-4-1975, trên đường tiến quân sát thành phố, chúng tôi chứng kiến cảnh máy bay địch cất cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất bị quân ta bắn nổ nên rất phấn khởi. Tinh thần chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi ngày càng lên cao”, ông Trần Thiện Tứ nhớ lại.
Sau khi tiến vào ấp chiến lược Phú Thọ Hòa, quá nửa đêm, ông Trần Thiện Tứ cùng đồng đội kêu gọi người dân treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Trưa ngày 30-4-1975, Tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc này, ông cùng đồng đội tìm mọi cách đi nhanh nhất về trụ sở hành chính quận 11. “Tôi ra kêu gọi thanh niên đang tập hợp đông đảo trước Ủy ban xung phong tiến vào trường đua Phú Thọ và nhìn thấy thanh niên nào giơ tay nhanh nhất thì phân công ngay làm Tổ trưởng Tổ tam tam (tức một tổ có 3 người). Sau đó, phát cho mỗi người một cây súng tiểu liên AR15. Hàng chục chiếc xe nhà binh quân đội ngụy Sài Gòn chạy thẳng đến trường đua. Chúng tôi nổ súng chỉ thiên, quân địch hoảng sợ lột quân phục, bỏ súng đạn lại để chạy thoát thân. Thế là chúng tôi được cả chục xe chiến lợi phẩm, chủ yếu là súng đạn”, ông Trần Thiện Tứ kể.
Ký ức về thời khắc lịch sử
Sáng 30-4-1975, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức thức dậy thật sớm. Lời dặn dò của một số anh chị nòng cốt trong Đoàn công tác y tế sinh viên Y Nha Dược vọng về: “Nếu có biến động gì xảy ra, anh chị em hãy nhanh chóng tập trung đến một địa điểm hẹn trước để cùng nhau hoạt động. Cứ đeo huy hiệu của đoàn công tác, nếu cần đeo thêm băng vải trắng có chữ thập đỏ ở cánh tay để có thể đi trong giờ giới nghiêm…”.
Nhưng ông Nguyễn Hữu Đức luôn nghĩ, ngoài công tác cứu thương, sẽ có “công tác khác” chưa thể hình dung hết. Sau khi nói vài lời trấn an mẹ, ông lên chiếc xe đạp hướng về Khánh Hội (quận 4). Nơi ông đến là một ký nhi viện (nơi cha mẹ đến gửi con còn nhỏ nhờ giữ hộ trong ngày). Ngoài đường gần như vắng tanh, chỉ thấy bóng dáng cảnh sát dã chiến, quân cảnh, quân dù tập trung ở các bốt gác, các công sự dựng lên rải rác tại các ngã tư, ngã ba. “Tôi cảm nhận được sẽ có cái gì đó, có thể thật dữ dội, cũng có thể êm ả, sẽ xảy ra làm thay đổi cả miền Nam này. Rất có thể sẽ có đánh nhau thật ác liệt và chữ “dấn thân” đã từ lâu thôi thúc tôi sẽ được thể hiện”, ông Nguyễn Hữu Đức nhớ lại.
Tại căn phòng nằm khuất sâu trong ký nhi viện, mọi người chăm chú làm việc, in truyền đơn. Nội dung truyền đơn là Chính sách 7 điểm, 10 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bỗng chiếc radio để gần đấy vọng lại âm thanh vừa đủ nghe, tiếng Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện. Ngay sau đó, vào thời khắc lịch sử, mọi người cùng nghe bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
“Ngoài đường nhộn nhịp hơn. Trên nét mặt của tất cả mọi người, tôi đọc thấy sự háo hức chờ đợi hòa bình. Khi chúng tôi treo xong tấm biểu ngữ kẻ chữ đỏ “Nhiệt liệt chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” trên cầu Calmette thì từ nhiều tuyến đường người dân đổ ra mừng chiến thắng. Tiếng súng của dân quân tự vệ nổ như bắp rang. Đó là tiếng súng tỏ rõ sự mừng vui ngày giải phóng”, ông Nguyễn Hữu Đức nhớ lại thời khắc không thể nào quên.
Còn ông Trần Hưng Đoàn (Năm Bằng) nhớ như in thời điểm cuối năm 1974 đầu năm 1975, khi tình hình chiến trường giữa ta và địch chuyển biến rất nhanh. Lúc này, bộ máy cán bộ Thành đoàn được phân chia thành hai bộ phận: Đô thị và nông thôn. Trong đó, khoảng ba phần tư lực lượng dồn vào cánh đô thị. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, ông Trần Hưng Đoàn thuộc Trường Đoàn Lý Tự Trọng được phân vào một đoàn 15 người do một cán bộ của Trung ương Đoàn (bí danh Năm Giao) làm Tổ trưởng tiến về hướng Sài Gòn. Ngày 30-4-1975, khi đang hành quân về Sài Gòn thì nghe người dân reo mừng vui sướng, các radio được mở to, anh em nghe rõ lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của ông Dương Văn Minh.
“Trong đoàn, chỉ có tôi là dân Sài Gòn chính cống nên mọi người “phong” tôi làm hướng dẫn viên. Ngay tức khắc, tôi giơ tay vẫy một xe tải nhỏ bất kỳ nhìn thấy trên đường. Đúng 12h trưa ngày 30-4-1975 chúng tôi có mặt giữa Sài Gòn. Tôi dẫn đoàn về nhà. Hàng xóm kéo đến mừng tôi trở về, trong khi tôi ôm mẹ, trào nước mắt. Trưa hôm đó, mọi người ăn cơm do mẹ tôi đãi. Đến chiều, mọi người lại túa đi tìm cách bắt liên lạc với đơn vị”, ông Trần Hưng Đoàn kể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.