Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành công nhờ “anh không sáu”

Hà Hiền| 11/01/2010 07:42

(HNM) - Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản yêu cầu cán bộ, đảng viên các sở, ngành, quận, huyện, thị xã gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong tổ chức việc cưới, tang, lễ hội.

Nhưng, ở đâu đó trên địa bàn thành phố, việc cưới hỏi vẫn là sự "trả nợ miệng", tang vẫn là gánh nợ truyền đời. Song, từ khi quận Hà Đông triển khai thực hiện Chương trình 06 ngày 12-1-2009 về tiếp tục thực hiện việc cưới, tang theo NSVM, đám cưới của các bạn trẻ đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc của cả gia chủ và khách mời, còn việc tang được tổ chức đơn giản mà trang trọng, văn minh.

Nhiều gia đình ở quận Hà Đông có người thân qua đời đã hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển). Ảnh: Lê Tuấn


Bước đột phá lớn
Cũng như nhiều địa phương khác, khi đời sống của người dân quận Hà Đông được nâng lên là thấy ngay những đám cưới linh đình, đám tang "hoành tráng". Bởi thế, trong một thời gian khá dài, việc lo tiền mừng cưới, viếng tang là nỗi kinh hoàng thực sự đối với người có thu nhập thấp.

Ngay sau khi Hà Đông trở thành một quận của Thủ đô, Quận ủy Hà Đông đã ban hành Chương trình 06 ngày 12-1-2009 nhằm đưa việc cưới, việc tang trên địa bàn vào nền nếp. 50.000 tờ gấp, 4.000 tờ rơi, 150 đĩa có nội dung tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tổ chức việc cưới, tang theo nếp sống mới được phát tới từng hộ gia đình. Ban Công tác mặt trận các thôn, khu phố phối hợp với các ngành, đoàn thể đến từng gia đình có việc hiếu, hỉ để tuyên truyền, vận động thực hiện NSVM. Từng phần việc trong đám cưới, đám tang, từ ngày giờ tới số mâm cỗ, giờ mở loa đài đến chuyện bài bạc trong đám cưới, tang đều được Ban Công tác mặt trận các tổ dân phố báo cáo, đánh giá bằng văn bản với Quận ủy. Cán bộ, đảng viên sinh sống trên địa bàn Hà Đông hay công tác ở nơi khác, nếu vi phạm đều bị chính quyền xã, phường sở tại gửi biên bản đề nghị cơ quan của cán bộ, đảng viên đó có hình thức xử lý…

Biện pháp "rắn" và sự sát sao ngay lập tức cho hiệu quả. Sau một năm triển khai Chương trình 06, số mâm cỗ trong các đám cưới ở nông thôn giảm từ mức phổ biến 150-200 mâm xuống còn 60-80 mâm; ở nội thị thì từ 70-150 mâm giảm xuống dưới 40 mâm. Cụ thể, toàn quận có 816/1.517 (57%) số đám cưới được tổ chức theo tinh thần "gọn nhẹ" (số lượng cỗ không quá 40 mâm/đám) như quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chương trình 06 và toàn quận chỉ có 12 đám cưới tổ chức trên 100 mâm. Việc tang không còn hủ tục như trước và có tới 370/513 (bằng 72%) đám trong năm 2009 không tổ chức ăn uống. 100% số hộ sinh sống trên địa bàn phường Quang Trung, Nguyễn Trãi, Yết Kiêu… đã ký cam kết thực hiện việc cưới, tang theo NSVM.

Lợi đủ đường
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch UB MTTQ quận Hà Đông, cũng là người đầu tiên tổ chức đám cưới cho con gái với hình thức tiệc trà vào đầu năm 2009 nhẩm tính: "Nếu gia đình tôi tổ chức cưới cho con với khoảng 70-100 mâm cỗ hoành tráng ở nhà hàng, khách sạn thì ít nhất cũng phải chi vài chục triệu đồng. Ngày cưới các cháu, mở tiệc trà thì vừa nhẹ nhàng, vừa trang trọng mà lại vui vẻ. Số tiền tiết kiệm được từ việc tổ chức cưới đơn giản, gia đình tôi dành một phần cho các cháu lấy vốn làm ăn".

Cũng tổ chức cưới tiệc trà cho con, ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Chi bộ khối 4, phường Yết Kiêu cho biết: "Tổ chức cưới đơn giản cho con, cả tôi, con tôi và nhiều người thân trong gia đình không phải "ăn cắp" giờ làm việc của Nhà nước để đi ăn cỗ". Còn ông Lương Văn Tùng, phố Lương Gia Khảm, phường Yết Kiêu khẳng định: "Thật may mắn là tôi dựng vợ cho con đúng khi có "luồng gió mới" chứ như những năm trước đây thì không biết gia đình tôi phải trả nợ đến bao giờ mới hết".

Anh Nguyễn Văn Bằng, phường Biên Giang cho hay: "Xóa bỏ được hủ tục ăn uống linh đình trong đám tang tồn tại nhiều năm ở quê tôi là việc khó tin, nhưng có thật. Tôi mong muốn các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nữa để không còn tình trạng sắp cỗ to mời họ hàng trong ngày thứ 49, 100, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng khi nhà có việc tang".

Xử phạt phải nghiêm minh
Bà Nguyễn Thị Hữu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hà Đông cho biết: Quận tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến của người dân và cán bộ các phường mới "ra" được Chương trình 06. Con số 40 mâm cỗ trong đám cưới và không tổ chức ăn uống trong đám tang được các đại biểu cho là hợp lý và thống nhất cao, do đó quận quy định những đám cưới thực hiện theo NSVM là những đám cưới có số lượng cỗ không quá 40 mâm (mâm 6 người), ai vi phạm thì tùy mức độ mà xử lý.

Năm 2009, quận xử lý 21 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó cách chức, miễn nhiệm một cán bộ thanh tra xây dựng quận, một phó chủ tịch hội phụ nữ phường, một trưởng thôn; cảnh cáo, kiểm điểm về đảng với 10 đảng viên… Để có bằng chứng xử phạt, các phường trên địa bàn đã lập sổ theo dõi việc thực hiện việc cưới, việc tang theo NSVM và thường xuyên thông báo tình hình thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh.

Mặc dù vậy, bà Hữu khẳng định, đây là một cuộc vận động lớn, phải thực hiện bền bỉ, lâu dài, do đó trong năm 2010, quận sẽ tập trung tuyên truyền ở một số phường như Phú Lương, Yên Nghĩa, Biên Giang, Kiến Hưng... Quận Hà Đông sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên cũng như người dân vi phạm nội dung Chương trình 06 của Quận ủy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành công nhờ “anh không sáu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.