Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Thanh bảo kiếm" sáng ngời

Tư Đô| 19/08/2015 06:37

(HNM) - Sinh ra trong cách mạng, trưởng thành giữa khói lửa của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, lớn mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Công an nhân dân (CAND) Việt Nam luôn sáng ngời phẩm chất Anh hùng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ ANTT...


Trui rèn trong lửa cách mạng

Từ trước 19-8-1945, các lực lượng tiền thân của CAND đã ra đời. Từ "Đội Tự vệ" ra đời trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh cho đến "Ban Công tác đội" làm nhiệm vụ ở an toàn khu, lực lượng bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền đã dần hình thành và ngày một lớn mạnh. Khi cách mạng thành công, tổ chức CA, dù mang những tên gọi khác nhau đã nhanh chóng khẳng định vai trò của mình. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định: Sự ra đời của CAND ngay từ những ngày đầu Tổng khởi nghĩa đã chứng tỏ sự cần thiết của một lực lượng chuyên chính trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được.

Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam luôn sáng ngời phẩm chất Anh hùng, trường kỳ lớn mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Bảo Lâm



Khi chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đương đầu với những thử thách cam go, lực lượng CAND là nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, bóc gỡ các tổ chức phản động, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Những chiến công vang dội từ những ngày đầu cho thấy CAND Việt Nam đã nhanh chóng "nhập cuộc" với một tinh thần cách mạng cao độ, ý chí tiến công quyết liệt, dũng cảm, mưu trí. Dấu ấn đậm nét có thể kể đến là vụ án phố Ôn Như Hầu, khi CA phối hợp với các lực lượng khác và nhân dân bắt hơn 100 tên phản cách mạng có vũ trang, đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền của thực dân và bọn phản động.

Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, trong vùng địch tạm chiếm hay vùng tự do, hậu phương, lực lượng CAND vừa chiến đấu anh dũng vừa dần ổn định và phát triển về mặt tổ chức. Trên khắp các chiến trường, CAND lập không ít chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt. Ở vùng tự do, phong trào "Bảo mật, phòng gian" gắn với phong trào "Ba không" (ở Bắc Bộ) hay "Ngũ gia liên bảo" (ở Nam Bộ) trong nhân dân tạo nên một thế trận an ninh rộng khắp và chắc chắn. Trên mặt trận trực tiếp đánh giặc, những chiến công như vụ đánh đắm thông báo hạm Amiôđanhvin hay vụ tập kích của "Quốc gia tự vệ cuộc" vào sở chỉ huy của quân Pháp tại thị trấn Cái Răng (tỉnh Cần Thơ), vụ đột nhập vào Sân bay Nha Trang của trinh sát Khánh Hòa... khiến kẻ thù khiếp sợ, nhân dân khâm phục. Qua đó cho thấy, với trang bị còn hạn chế, lý luận nghiệp vụ chưa phong phú, lực lượng CAND vẫn xây dựng được cho mình lối đánh sáng tạo, kết hợp sức mạnh từ lý tưởng cách mạng, lòng quả cảm với phương châm dựa vào sức mạnh to lớn của nhân dân...

Bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, CAND đã nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và hành động. Trên miền Bắc XHCN, CAND đã đấu tranh dập tắt các vụ nhen nhóm phản động và bạo loạn, bóc gỡ những mạng lưới gián điệp tinh vi, bảo vệ an toàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, tính mạng, tài sản của nhân dân. Cùng với đó, theo tiếng gọi "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", hàng vạn CBCS CA đã lên đường chi viện cho chiến trường lớn, tham gia đánh giặc, bảo vệ căn cứ, phá nhiều kế hoạch tình báo của Mỹ, ngụy... Trong giai đoạn này - Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban, Viện trưởng Viện Lịch sử CA nhận định - trong các chức năng cơ bản của CAND, trực tiếp chiến đấu là chức năng chủ yếu, đặc trưng của lực lượng CAND ở hai miền Nam - Bắc.

Từ nhân dân và vì nhân dân

Ngay sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân địch, chủ động bóc gỡ mạng lưới gián điệp, tình báo của đế quốc và tay sai cài lại theo kế hoạch hậu chiến, lập nhiều chiến công hết sức vang dội... Bên cạnh đó, những bước tiến nhanh, mạnh lên tầm hiện đại của CAND Việt Nam phải kể đến giai đoạn gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới (từ 1986 đến nay) và trong mọi thời kỳ, mọi hoàn cảnh, CAND Việt Nam luôn giữ vững bản chất cách mạng, bản chất từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.

Khác với giai đoạn kháng chiến, trong những năm tháng hòa bình, dựng xây đất nước, cuộc chiến đấu với tội phạm, các thế lực thù địch, phản động có những đặc thù riêng, khi mà thủ đoạn của tội phạm không ngừng biến đổi, phi truyền thống, hoạt động chống phá của địch âm thầm nhưng hết sức khốc liệt, thâm độc. Trong điều kiện đó, CAND Việt Nam đã kịp thời nắm bắt xu hướng, dự báo chính xác và có đối sách phù hợp, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Trình độ nghiệp vụ của lực lượng CA các cấp ngày càng được nâng cao, trang bị ngày càng hiện đại, quyết tâm tấn công tội phạm ngày càng được củng cố. Đáp ứng yêu cầu mới, CAND Việt Nam đã mở rộng hợp tác quốc tế, đến nay đã có quan hệ với 105 bộ, cơ quan ngang bộ của 55 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Những thành tích, chiến công của CAND Việt Nam trong giai đoạn này có được, bên cạnh những nỗ lực, quyết tâm tự thân, chính là nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng và sự phát huy nghệ thuật, thế trận an ninh nhân dân, qua đó giúp lực lượng CAND xác định rõ ràng mục tiêu cũng như phương châm hành động, chiến đấu. Đúng như Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định: "Cội nguồn và bản chất sức mạnh của lực lượng CAND là xuất phát và gắn liền với nhiệm vụ cao cả bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ đó được thể hiện nổi bật qua việc chủ động phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp an ninh, quốc phòng với kinh tế, đối ngoại theo phương châm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Thực tế khẳng định, lực lượng CAND đã làm tốt vai trò nòng cốt, chủ động đổi mới và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, đối sách thích hợp để bảo vệ an ninh quốc gia. CAND đã vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, giữ vững ổn định chính trị, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa, không để xảy ra khủng bố, phá hoại... Trên mặt trận giữ gìn sự bình yên cho xã hội, trước những diễn biến nhanh và phức tạp của các loại tội phạm, phương thức đấu tranh phòng chống tội phạm đã được CA các đơn vị, địa phương đổi mới, từ đó đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững TTATXH, duy trì các hoạt động bình thường của xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân"...

Nhìn lại 70 năm đồng hành cùng đất nước, qua các giai đoạn cách mạng, các sự kiện lịch sử trọng đại, lực lượng CAND đã thể hiện tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần tận tụy, sẵn sàng xả thân vì nước, lấy lợi ích của Tổ quốc và nhân dân làm lý tưởng, mục tiêu cao nhất để phấn đấu, đem hết sức lực, tài trí và cả tính mạng của mình để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong chiến tranh cũng như lúc hòa bình dựng xây đất nước, có thể khẳng định, lực lượng CAND luôn xứng đáng là "thanh bảo kiếm" sáng ngời, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân...

Lực lượng CAND đã được tặng thưởng 3 Huân chương Sao vàng (các năm 1980, 1985, 2000), một Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1975). 9 tập thể, 3 cá nhân thuộc lực lượng CAND được tăng thưởng Huân chương Sao vàng; 98 tập thể, cá nhân thuộc lực lượng CAND được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. 663 lượt tập thể, 380 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CAND được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; một tập thể và một cán bộ CA được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có hơn 14.000 CBCS CA anh dũng hy sinh, hơn 20.000 CBCS bị thương tại các chiến trường. Trong giai đoạn hiện nay, hàng trăm CBCS đã hy sinh, hàng nghìn CBCS bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Thanh bảo kiếm" sáng ngời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.