Tháng 1, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả nước ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017, theo Báo cáo Tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê, ngày 29-1.
Báo cáo chỉ ra, nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng cao đột biến là do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán không trùng vào tháng 1 như năm ngoái và đây chính là thời điểm thuận lợi các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Về tỷ trọng tăng trưởng, ngành chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu khi tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Kế đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,4%, đóng góp 1 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, ngành khai khoáng sau một thời gian suy giảm thì nay đã tăng trở lại ở mức 10,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm. Cuối cùng là ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp Đà Nẵng dẫn đầu với mức tăng 48,7%, thứ hai là Bắc Ninh tăng 47,2% (tập trung ở sản xuất các sản phẩm và linh kiện điện tử xuất khẩu toàn cầu), thứ ba là Hải Phòng tăng 31,3%. Hai trung tâm kinh tế của cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có mức tăng tương ứng là 15% và 14,7%.
Cùng với sản xuất, số lượng việc làm cũng gia tăng. Người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp (tại thời điểm 1-1-2018) đã tăng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2017.
Tuy nhiên, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại giảm 1,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 2,4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,8%.
Hiện, Bắc Ninh là tỉnh tạo ra thêm nhiều việc làm nhất, người lao động có việc làm tăng 20,3%, tiếp đến là Thái Nguyên tăng 10,2%, Hải Phòng tăng 9,9%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.