Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng với bánh kẹo ''bắt mắt'' mùa Halloween

Bảo Ngọc| 30/10/2022 05:27

(HNMCT) - Gần đến ngày Halloween, trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh kẹo có kiểu dáng “bắt mắt”, màu sắc "kinh dị" phù hợp với không khí của "lễ hội ma quỷ”. Tuy nhiên, trong đó có nhiều loại kẹo không rõ nguồn gốc, có thể gây ngộ độc thực phẩm cho trẻ nhỏ.

Kẹo... “đẫm” phẩm màu

Du nhập vào Việt Nam chưa lâu nhưng Halloween đã nhanh chóng trở thành một sự kiện được giới trẻ yêu thích. Với trào lưu “Trick or Treat” (tạm dịch là “Cho kẹo hay bị ghẹo”), các loại bánh kẹo được trang trí theo phong cách kinh dị, ma quỷ “ăn theo” Halloween cũng rất đắt khách.

Nhiều cửa hàng bánh kẹo đã nhanh chóng sản xuất và nhập thêm nhiều loại bánh kẹo Halloween với tạo hình bắt mắt, "độc, lạ" như hình ma quỷ, quái vật, ngón tay máu, trái táo độc, quả bí ngô hay những con vật báo hiệu cho cái chết... Trong đó, những loại bánh kẹo nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Thái Lan và Trung Quốc… được ưa chuộng hơn cả vì hình thức hấp dẫn. “Hot” nhất mùa Halloween năm nay là loại kẹo nổ và kẹo ma.

Đúng như tên gọi, khi trẻ ăn kẹo sẽ thấy tiếng nổ lách tách trong miệng, mang đến cảm giác thú vị, lạ lẫm. Kẹo có đủ màu sắc, vị chua ngọt hấp dẫn trẻ em. Kẹo ma còn được gọi là kẹo nhuộm lưỡi, vì mỗi khi ăn xong, miệng, môi, lưỡi dính đầy màu xanh, các em sẽ há miệng, lè lưỡi dọa nhau. Những loại kẹo này thường được bày bán tại cổng trường học, các cửa hàng bán bánh kẹo, đồ trang trí Halloween. Người bán hàng quảng cáo kẹo nhập khẩu Trung Quốc, Thái Lan và làm từ trái cây thiên nhiên.

Đặc điểm chung của các loại kẹo này là giá bán rất rẻ, chỉ từ 4.000 - 6.000 đồng/gói, bao bì kẹo “chi chít” tiếng nước ngoài, hầu hết không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ đơn vị nhập khẩu cũng như không rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng…

Tác hại của phẩm màu hóa học

Việc sử dụng các thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em. Chúng có thể sẽ không gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngay, nhưng về lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, đối với thực phẩm, việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.

Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ. Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Ví dụ, để có màu đỏ thì dùng quả gấc, rau dền, cà chua...; muốn có màu xanh thì dùng lá dứa; màu vàng dùng củ nghệ, màu tím có thể dùng lá cẩm... Các loại màu có nguồn gốc tự nhiên thường không gây hại, mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, vì vậy được khuyến khích sử dụng.

Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao. Thực phẩm sử dụng nhiều loại hóa chất thì rất nguy hiểm, dễ gây độc cho người sử dụng.

Để phòng ngừa tác hại của bánh kẹo, thực phẩm có nhuộm phẩm màu, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm, bánh kẹo có màu sắc bắt mắt vì chúng có thể chứa phẩm màu, phụ gia độc hại.

Bánh kẹo nằm trong danh mục thực phẩm thường bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong đó, sản phẩm khi lưu thông trên thị trường phải thực hiện tự công bố sản phẩm tại cơ quan có thẩm quyền.

Khi mua bánh kẹo, người tiêu dùng chọn sản phẩm đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm bằng cách xem trên nhãn mác có ký hiệu: (số thứ tự)/(năm cấp YT tên viết tắt tỉnh, thành phố - XNCB); quan sát kỹ thông tin trên bao bì bánh kẹo, bao gồm nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản… Người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm đã thực hiện tự công bố sản phẩm hoặc lựa chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng với bánh kẹo ''bắt mắt'' mùa Halloween

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.