(HNM) - Trong một quyết định trái với dự đoán của phần lớn giới chuyên gia kinh tế, cuối tháng 10 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục: 0%-0,25%.
Thị trường lao động chưa ổn định là nguyên nhân khiến cả FED hay BoE đều thận trọng trong việc nâng lãi suất. |
Theo Ủy ban Thị trường mở (FOMC) Mỹ, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ và đầu tư doanh nghiệp đang tăng trong mấy tháng qua, trong khi lĩnh vực xây dựng nhà ở cũng được cải thiện. Tuy nhiên, xuất khẩu của nền kinh tế số một thế giới vẫn khá ảm đạm, tỷ lệ lạm phát tiếp tục thấp hơn mức mục tiêu 2% mà FED đề ra về trung hạn; đồng thời tăng trưởng việc làm vẫn chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp chưa giảm. Theo số liệu mới nhất, nền kinh tế chỉ tạo ra được 142.000 việc làm trong tháng 9-2015, thấp hơn nhiều so với con số 200.000 việc làm mà các chuyên gia kinh tế dự tính trong một cuộc thăm dò của hãng Bloomberg.
Bộ Thương mại Mỹ cũng vừa cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 1,5% trong quý III vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 2,4 điểm phần trăm so với mức tăng 3,9% đạt được trong quý II. Nguyên nhân tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý III vừa qua chậm hơn so với quý trước là do lượng hàng hóa trong các kho của doanh nghiệp Mỹ giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ quý I-2014. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nền kinh tế Mỹ trong quý còn lại của năm 2015 dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn do nhu cầu nội địa tăng. Và đây có thể sẽ là cơ sở để FED tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong cuộc họp tháng 12. Chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Standard Chartered ở New York, Thomas Costerg nhận xét: "Đây vẫn là một báo cáo tích cực, cho thấy xung lực mạnh trong nền kinh tế và khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 12 là lớn". Một trong những lợi thế của việc FED trì hoãn nâng lãi suất tới cuối năm là các thay đổi về chính sách đã được tiếp nhận khá toàn diện và FED có đủ thời gian để trù tính những tác động có thể của lần nâng lãi suất đầu tiên trong gần một thập kỷ qua.
Việc FED rập rình tăng lãi suất cũng khiến Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đứng ngồi không yên. Ở bên kia Đại Tây Dương, nền kinh tế Anh cũng đã phát đi những tín hiệu tích cực: Tốc độ tăng trưởng GDP vừa phải, tỷ lệ thất nghiệp cùng ở gần mức 5%, vấn đề tiền lương trung bình được cải thiện. Theo Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS), nhờ giá nhiên liệu rẻ hơn, lạm phát của Anh trong tháng 9 đã tụt xuống -0,1% so với mức 0 của tháng 8. Đây là lần thứ hai trong năm nay lạm phát của xứ Sương mù giảm xuống dưới 0, góp phần làm giảm sức ép đối với BoE trong việc phải nâng lãi suất hiện ở mức thấp kỷ lục (0,5%) được duy trì hơn 6 năm qua. Mức lãi suất này được nhìn nhận là nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Rất nhiều chuyên gia đồng ý rằng, BoE sẽ đợi FED xoay chuyển vòng quay lãi suất, trước khi đưa ra quyết định. Một trong những lý do là về tỷ giá hối đoái, nếu Anh nâng lãi suất trước, đồng bảng Anh sẽ mạnh hơn so với đồng USD. Điều này có thể khiến áp lực giảm phát mạnh lên ngay lập tức và BoE sẽ phải hạ thấp mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn.
Có thể thấy, mặc dù nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục, đủ để các ngân hàng trung ương tiến hành nâng lãi suất sau một thời gian dài áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, nhưng ở cả hai bờ Đại Tây Dương các nhà hoạch định đều đang hết sức thận trọng. Vì cả BoE và FED đều không thể chắc chắn về tình trạng thị trường lao động hiện nay - nhất là khi "cơn bão" nhập cư tại Châu Âu vẫn tiếp diễn - yếu tố then chốt quyết định tới áp lực lạm phát. Trong hoàn cảnh như vậy, thời điểm thích hợp để tăng lãi suất dẫu đang là câu hỏi rất "nóng" nhưng không ai có thể vội vã đưa ra câu trả lời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.