Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng khi dùng hoạt huyết dưỡng não

Thu Trang| 15/11/2021 06:18

(HNM) - Hoạt huyết dưỡng não là loại thuốc được sử dụng phổ biến tại nước ta. Thuốc chứa Ginkgo Biloba chiết xuất từ lá cây bạch quả được quảng cáo như thuốc bổ não, giúp tăng lưu thông  máu, tăng cường trí nhớ, chữa nhiều bệnh: Hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, tiểu đường, gút… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc và các chế phẩm này cần thận trọng vì nếu dùng tùy tiện, không có chỉ định của bác sĩ sẽ tiềm ẩn nguy cơ gặp phản ứng phụ đi kèm hậu quả không mong muốn...

Người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua và sử dụng thuốc hoạt huyết dưỡng não để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Trang Thu

Tùy tiện sinh ra hậu quả

Anh N.H (38 tuổi ở Hà Nội) làm nghề thợ mộc, được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức sau khi bị máy cưa cắt vào 4 ngón tay. Tại đây, anh H. được phẫu thuật vi mạch nối ngón tay và được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống đông Heparin, nhằm tránh tắc mạch máu. Tuy nhiên, trong quá trình hậu phẫu, bàn tay của bệnh nhân H. có dấu hiệu chảy nhiều máu bất thường. Khi hỏi tiền sử sử dụng thuốc thì được biết, hơn nửa năm nay, anh H. đã dùng hoạt huyết dưỡng não.

Theo bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm huyết học (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), với giá thành rẻ và được quảng cáo tràn lan, hoạt huyết dưỡng não đang được người dân coi như “thần dược” điều trị các bệnh từ hoa mắt chóng mặt, thiếu máu não đến tăng cường trí nhớ… Trong khi đó, hoạt huyết dưỡng não có chứa Ginkgo Biloba là nguyên nhân gây chảy máu khó cầm khi sử dụng đồng thời với thuốc chống đông Heparin. Điều đáng nói, người dân sử dụng thuốc chứa Ginkgo Biloba tùy tiện, không cần kê đơn dưới dạng thực phẩm chức năng hay thuốc hoạt huyết dưỡng não và nếu không kiểm soát tác dụng phụ có thể dẫn tới các biến chứng.

Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều bệnh nhân đã phải tìm tới bác sĩ để đề nghị tư vấn sau một thời gian dài tự uống các chế phẩm dưỡng não. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện cho biết, ngoài nhu cầu điều trị mất ngủ, chóng mặt, nhiều bệnh nhân cao tuổi còn sử dụng hoạt huyết dưỡng não với mục đích dự phòng, ngăn ngừa đột quỵ vì nghĩ rằng, chế phẩm này có khả năng lưu thông máu, không gây tắc nghẽn các mạch máu… Đây hoàn toàn là quan điểm sai lầm.

“Do nghe theo quảng cáo, nhiều người bệnh uống hoạt huyết dưỡng não mà không cần kê đơn, sử dụng với liều lượng và thời gian không cố định, kéo dài, không được theo dõi tác dụng phụ. Đây là vấn đề có thể gây ra những hậu quả đáng lo ngại. Hơn nữa, khi sử dụng hoạt huyết dưỡng não với nhiều loại thuốc khác, các thành phần của thuốc sẽ gây tương tác làm giảm tác dụng, mất tác dụng hoặc gây biến chứng chảy máu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho rằng, thuốc luôn là “con dao hai lưỡi” có thể chữa được bệnh, nhưng cũng có thể gây hại, kể cả thuốc bổ. Các thuốc dưỡng não phần lớn có tính an toàn tương đối cao, song tính hiệu quả vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Việc tự ý sử dụng thuốc bổ não đôi khi còn khiến bệnh lý trầm trọng hơn. Khi xuất hiện các triệu chứng khác thường, thay vì đến khám ở cơ sở y tế để được điều trị đúng, thì người bệnh lại tự ý dùng thực phẩm chức năng và uống thuốc bổ nên đã làm mất cơ hội được điều trị sớm.

Bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn trước khi sử dụng thuốc hoạt huyết dưỡng não.

Cần uống thuốc theo chỉ định

Hoạt huyết dưỡng não hiện không có trong phác đồ điều trị đau đầu, chóng mặt hay đột quỵ của Bộ Y tế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, hầu hết các loại hoạt huyết dưỡng não được quảng cáo hiện nay đều là thực phẩm chức năng, không phải thuốc điều trị bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng đau đầu, thiếu máu, mất ngủ, mệt mỏi…, người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám. Một số bệnh lý đau đầu liên quan đến vận mạch, có nhiều trường hợp là đau đầu lành tính. Tuy nhiên, trong gia đình nếu có người có tiền sử xuất huyết dưới nhện, đột quỵ…, thì nên chụp cộng hưởng từ để loại trừ các bất thường liên quan đến nhu mô não, bất thường mạch máu, từ đó có phác đồ điều trị hợp lý nhất.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm huyết học (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) khuyến cáo, trong trường hợp sử dụng Ginkgo Biloba hoặc các loại thuốc, thực phẩm chức năng khi có bệnh lý nền, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, tuần hoàn ngoại vi, gút, ung thư…, người dân nên gặp bác sĩ để được tư vấn. Không nên tự ý sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng kéo dài, mà cần được theo dõi tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn.

Để giảm thiểu bệnh tật, nhất là các bệnh lý của não, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), việc thay đổi lối sống như loại bỏ thói quen xấu, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, ăn uống lành mạnh, cho trí não hoạt động một cách hợp lý để tránh stress, căng thẳng là những yếu tố rất quan trọng. Khi sử dụng thuốc bổ não cần được thăm khám để có chỉ định sử dụng thuốc đúng bệnh, đúng liều, đúng thời gian quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng khi dùng hoạt huyết dưỡng não

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.