(HNM) - Sài Gòn đương vào mùa mưa, cái lạnh đêm khuya se lại nhưng bà Trần Thị Xuân (50 tuổi, quê ở Hà Trung, Thanh Hóa) vẫn kĩu kịt gánh hàng rong quanh Công viên Tao Đàn (quận 1). Đôi tay gầy gò thoăn thoắt cắt, trộn những chiếc bánh tráng, những quả xoài, cóc, sắn… phục vụ khách.
Khép chặt tà áo mỏng, cố làm ấm cơ thể hao gầy, bà Xuân nghèn nghẹn cho hay đã xa quê hương Thanh Hóa vào đây ngót nghét 15 năm rồi. Những ngày đầu còn sức, hễ ai kêu gì làm nấy, kể cả việc phụ hồ cực nhọc. Sáu năm trở lại đây sức khỏe yếu dần, bà chọn gánh hàng rong làm nghề mưu sinh. Sáu năm, bà không tính được đã đi bao nhiêu cây số đường, chỉ biết, trừ những lúc ốm không gượng dậy nổi thì mới được ngơi chân. "Những ngày đầu chân tay như muốn rời ra, không buồn ăn uống, chỉ muốn nằm. Nhưng cứ nghĩ đến gia đình đang khốn khó, con cái ở nhà thiếu tiền ăn học nên tôi lại cố gượng dậy để đi chú ạ! Chỉ mong sao con mình sau này…". Bà Xuân ngước nhìn lên bầu trời chỉ còn lác đác vài vì sao, thì thào, như thầm ước nguyện.
Ban ngày, dòng chảy hối hả của chốn thị thành cuốn con người vào công việc, nên gánh hàng rong ít khách. Chỉ khi những ngọn đèn cao áp bật lên, khi người dân TP đã dứt ra khỏi "cơm áo gạo tiền" để quây quần với gia đình, bè bạn hoặc thanh thản dạo phố, đắm chìm trong cái hoa lệ của Sài thành về đêm, thì cóc, ổi, xoài… từ gánh hàng rong của những "thân cò" như bà Xuân mới đắt khách. Đôi vai lệch, bàn chân bàn tay chai sạn, thân hình gầy gò, khuôn mặt sạm đen… là những hình ảnh dễ thấy về người bán rong đêm ở chốn phồn hoa này!
Đêm nay cũng như mọi khi, dù đã gần 23h, đường phố thưa dần nhưng chị Nguyễn Thị Điệp (quê Hải Hậu, Nam Định) vẫn kĩu kịt tới các quán ăn mời chào khách. Vào TP đã gần 10 năm nay và cũng chừng ấy thời gian gánh hàng rong gắn liền với chị. Ngày nào cũng vậy, cứ 19h, chị quẩy hàng rong đi khắp nẻo đường, đến 2h sáng mới về chỗ trọ. Vào sau bà Xuân 7 năm, những ngày đầu chị Điệp cũng nếm trải đủ thứ nghề, từ bán vé số, làm thuê, nhặt rác, thậm chí cả bốc vác. Nghề hàng rong nắng mưa, khuya khoắt đã kéo hai người phụ nữ xa xứ đó thành đôi bạn vui buồn có nhau nơi đất khách quê người.
Với những người phụ nữ bán hàng rong, đêm khuya đắt khách cũng đầy nguy hiểm. Địa điểm đáng sợ nhất là các công viên, nơi tập trung đủ loại người, đặc biệt dân nghiện xì ke, ma túy. Không ít người đã bị bọn chúng trấn cướp lấy hết tiền, còn bị đánh đập. Chị Xuân tháng trước cũng bị hai tên nghiện hút lấy hết tiền, phá tung gánh hàng rồi đánh chị thâm bầm hết cả chân tay, nằm liệt mất cả tuần. Những ngày đó mới thấu sự đùm bọc của những người tha hương trong cùng xóm trọ. Đi bán hàng về, phờ phạc nhưng nhiều người bạn vẫn tất tưởi lo từng miếng cháo hành, lọ dầu xoa bóp để chị Xuân mau chóng quẩy gánh hàng lên vai. " Vốn liếng gánh hàng rong trung bình chỉ 300 đến 500 nghìn đồng. Nếu đắt khách, mỗi đêm thu nhập khoảng hơn 100 nghìn đồng. Trời mưa không bán được còn đỡ, gặp phải bọn xấu, thì cóc, ổi, me, xoài bị đập phá, tiền lời bị cướp hết, nhiều khi chị em chả bụng dạ nào mà ăn cơm nữa, chỉ nhìn nhau ứa nước mắt!" - Giọng chị Điệp nghèn nghẹn…
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Chúng tôi vào sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo dưới chân cầu Ông Lãnh (quận 4), tới những dãy nhà lụp xụp, nơi được xem là "tổ ấm" của những người bán hàng rong, đa số từ miền Bắc và miền Trung vào đây. Họ ở trọ tập thể, khoảng 10-40 người/phòng rộng khoảng 30-60m2. Ở đã chật chội, ăn uống cũng "bóp mồm bóp miệng", mỗi ngày họ chỉ dám chi tiêu không quá 20.000 đồng. Để sao cho với số tiền lời được chừng hơn 100 nghìn đồng/ngày, trừ hết các khoản chi tiêu tối thiểu, mỗi tháng các chị cũng dành dụm được trên dưới 3 triệu đồng gửi về nhà nuôi con.
Trong căn phòng ẩm ướt khoảng hơn 50m2, là nơi ở của 20 người, chị Võ Thị Thúy Kiều đang tất bật nấu cơm để chuẩn bị đi bán. Mâm cơm chỉ có đĩa rau muống, bát muối lạc và vài con cá khô có vẻ như đã được kho đi kho lại vài lần. "Ăn vậy riết cũng quen! Một ngày tôi chỉ ăn hết chừng 10.000 đồng đến 15.000 đồng thức ăn thôi!". Quê chị Kiều ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), nhà chỉ có vài sào ruộng, ba đứa con thì con gái đầu thất học đã lấy chồng. Còn hai đứa nhỏ đang tuổi ăn học, nhưng làm ruộng không đủ ăn thì lấy tiền đâu cho con học? Chồng chị quyết định ở nhà làm thuê làm mướn, chăm con để vợ theo bạn vào Nam kiếm tiền. Thu nhập hằng ngày từ gánh hàng rong chỉ từ vài chục đến trên dưới 100 nghìn đồng, trong bối cảnh đời sống TP đắt đỏ, nhưng nhờ tằn tiện, chắt chiu nên mỗi tháng chị cũng để ra được 2-3 triệu đồng nuôi con. "Bây giờ con trai thứ hai của tôi đã học Đại học KH Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP) năm thứ 3 rồi!" - Chị Kiều phấn khởi nói.
Trong số người bán hàng rong thì hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (quê Phú Yên) khá đặc biệt. Bốn năm về trước chồng chị bị tai nạn xe máy, liệt nửa người. Để lấy tiền chạy chữa cho chồng, chị phải cầm "sổ đỏ" vay ngân hàng được 30 triệu đồng. Ngày chồng ra viện cũng là lúc số tiền nợ cộng với tiền lãi đè nặng. Chị gạt nước mắt, quyết định vào TP kiếm tiền, vừa trả nợ, vừa lo cho con ăn học. Không chỉ bán đêm mà ban ngày, chị còn tranh thủ tới các cổng trường học bán cho học sinh, tới 1h chiều mới ghé vào gốc cây, vỉa hè đâu đó ăn bữa trưa mang theo, chỉ là cơm trắng với mấy cọng rau, vài lát đậu… Cuối tháng, tích góp được trên dưới 3 triệu đồng chị gửi tất về cho chồng thuốc thang, trả lãi ngân hàng và mua sách vở cho con. Đứa con trai lớn của chị đang học năm cuối Trường Cao đẳng công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên) cũng tranh thủ thời gian đi làm thuê kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi em! "Hai đứa sau mới đang học THCS nhưng cũng phải thay phiên nhau làm hết việc nhà, thuốc thang chăm sóc cha. Con gái mỗi lần gọi điện nói chuyện với mẹ đều khóc. Nó luôn miệng bảo mẹ phải ráng ăn, giữ gìn sức khỏe, không được tham công tiếc việc, bảo mẹ khỏe mạnh chúng con mới yên tâm phần nào!". Chị Thảo rưng rưng khi nhắc về chồng, về con. Trong sự rưng rưng đó có cả niềm tự hào!
Đêm ập về, những người phụ nữ bé nhỏ, áo quần đã sờn màu lại rời xóm trọ, với gánh hàng rong kĩu kịt trên vai. Nhìn theo những cái bóng liêu xiêu trong ánh đèn đường vàng vọt, bỗng chốc tôi nhớ đến bài hát "Gánh hàng rong" của nhạc sĩ Quốc Dũng với những ca từ khắc khoải mà đầy ý nghĩa: "Trên con phố khuya có một người đang bán hàng rong. Cơn mưa vẫn rơi tiếng rao buồn lạc lõng chơi vơi. Còn đây bóng ai thân héo gầy oằn gánh trên vai. Cho con bao ngày vui mẹ cay đắng xót xa ngậm ngùi…".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.