Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thăm quê hương Hải đội Hoàng Sa

Bài và ảnh: Hà Thành| 06/04/2023 17:39

(HNMCT) - Không chỉ là một hòn đảo xinh đẹp với nhiều thắng cảnh thiên nhiên mê hoặc lòng người, Lý Sơn còn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Nơi đây chứa đựng trầm tích lịch sử, văn hóa hàng trăm năm, là "bảo tàng sống” khẳng định chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một góc Lý Sơn nhìn từ hải đăng.

Quê hương của Hải đội Hoàng Sa

Đảo Lý Sơn, còn có tên Cù lao Ré, là huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Ngãi. Nằm ở phía đông bắc Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, trước kia Lý Sơn có 3 xã là An Vĩnh, An Hải (nằm trên đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Từ năm 2020, chính quyền cấp xã tại đây được giải thể, song những cái tên An Vĩnh, An Hải, An Bình vẫn tồn tại để phân vùng địa lý trên đảo Lý Sơn.

Đảo Lớn Lý Sơn được hình thành bởi 5 ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động, có diện tích 10,39km2 với dân số hơn 20.000 người, là hòn đảo có mật độ dân cư đông nhất ở Việt Nam. Lý Sơn có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Những di chỉ khảo cổ cho thấy nền văn hóa Sa Huỳnh xuất hiện trên đảo Lý Sơn cách đây trên 2.500 năm.

Lý Sơn được coi là quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Từ khoảng thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã cho thành lập Hải đội Hoàng Sa hoạt động trên vùng biển phía nam để bảo vệ và khai thác biển Đông. Những binh phu Hoàng Sa từ Lý Sơn đã vượt biển ra Hoàng Sa để xác lập chủ quyền của nước Việt. Đội Hoàng Sa, sau này là đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (bao gồm cả Trường Sa) hoạt động liên tục trong thời gian dài, với nhiệm vụ ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, lượm bắt sản vật và cắm mốc, dựng bia thực thi chủ quyền. Thời kỳ chiến tranh Tây Sơn - chúa Nguyễn (1787 - 1802), hoạt động của đội Hoàng Sa bị gián đoạn. Sau khi lên ngôi (1803), vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa để tiếp tục nhiệm vụ. Đến giữa thế kỷ XIX, đội Hoàng Sa ngừng hoạt động khi nhà Nguyễn để mất độc lập, tự chủ vào tay người Pháp.

Những người dân ở đảo Lý Sơn, những binh phu coi việc thực hiện nhiệm vụ ở đội Hoàng Sa là nhiệm vụ cao cả, dù rất nguy hiểm và phải đánh đổi cả tính mạng. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ thiêng liêng ở đảo Lý Sơn, được tổ chức trước khi đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ, trong đó có nghi thức tế sống những binh phu Hoàng Sa. Người dân dùng những “hình nhân thế mạng” đặt trên thuyền, thả ra biển để cầu cho người đi biển được bình an trở về.

Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có tới hàng chục di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. Lý Sơn là "bảo tàng sống” và là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những điểm tham quan thú vị

Lý Sơn có nhiều điểm tham quan thú vị. Trong 5 ngọn núi lửa trên đảo, Giếng Tiền và Thới Lới là hai ngọn núi lớn nhất. Hang Câu và cổng Tò Vò là những điểm đến không thể bỏ qua. Tại đây, du khách có thể thấy sự kiến tạo địa chất kỳ diệu cách đây hàng triệu năm.

Nếu là người yêu văn hóa lịch sử, du khách hãy tới Âm Linh tự - miếu thờ tưởng nhớ những binh phu Hoàng Sa đã hy sinh trên biển. Đình làng An Vĩnh được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, là nơi diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Còn đình làng An Hải được xây dựng từ năm 1820 dưới triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn, là nơi diễn ra lễ tế lính Hoàng Sa. Cả ba di tích này đều được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nơi tiếp theo lưu giữ ký ức của đội Hoàng Sa là Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nằm ở trung tâm đảo. Công trình mô phỏng kiến trúc truyền thống với bộ mái trang trí kiểu thời Nguyễn. Nơi đây trưng bày những hiện vật, tài liệu tái hiện hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cùng những hiện vật, tài liệu, hình ảnh liên quan đến quê hương Hải đội Hoàng Sa và chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Phía trước nhà trưng bày có tượng đài đội Hoàng Sa. Tượng đài thể hiện nhóm 3 người, trong đó người đứng giữa là Đề công (đội trưởng nhóm ba thuyền trong một lượt ra Hoàng Sa) mặc áo quan triều đình với tấm bia chủ quyền đề 4 chữ “Vạn lý Hoàng Sa”; hai bên là hai dân binh mang giáo và lưới. Tượng đài được hoàn thành tháng 9- 2009 và là một biểu tượng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trên đảo còn những công trình tôn giáo như chùa Đục (xã An Vĩnh), chùa Hang (xã An Hải) mang dấu ấn Phật giáo của người Việt; hai đền thờ Thiên Y A Na ở hai xã An Vĩnh và An Hải là minh chứng rõ nét về tín ngưỡng và văn hóa của người dân Chăm Pa xưa... Hải đăng Lý Sơn cũng là điểm tham quan, từ trên đỉnh hải đăng có thể nhìn toàn bộ Đảo Lớn Lý Sơn.

Công trình mới đáng chú ý nhất là cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới, được xây dựng và hoàn thành năm 2013. Tình yêu biển đảo quê hương được kết tinh, gửi gắm vào lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Tổ quốc ở Lý Sơn, là điểm tựa cho ngư dân mỗi khi vươn khơi bám biển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thăm quê hương Hải đội Hoàng Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.