(HNMO) - Mức thâm hụt thương mại hàng hóa trong tháng 3 cho thấy lĩnh vực thương mại là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý đầu tiên. Song, vấn đề này có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước tăng mạnh nhờ các biện pháp viện trợ của chính phủ.
Hoạt động kinh tế của Mỹ phục hồi nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác. Nhu cầu trong nước gia tăng đã thúc đẩy nhập khẩu vượt xuất khẩu, từ đó dẫn đến sự gia tăng trong thâm hụt thương mại của Mỹ. Báo cáo của Bộ Thương mại ngày 28-4 cũng cho thấy, lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đã giảm trong tháng 3 vừa qua trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng mạnh.
Theo Reuters, tháng 3 vừa qua, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã chạm mốc 90,6 tỷ USD, tương đương mức tăng 4%. Xuất khẩu hàng hóa cùng giai đoạn tăng 8,7%, lên 142 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 6,8%, lên 232,6 tỷ USD.
Báo cáo trên được đưa ra trước thời điểm Mỹ công bố dữ liệu GDP quý đầu tiên vào ngày 29-4, dự kiến cho thấy nền kinh tế quốc gia này tăng trưởng với tốc độ 6,1% hằng năm trong 3 tháng đầu năm, cũng là mức tăng trưởng nhanh thứ hai kể từ quý III-2003.
Ryan Sweet, chuyên gia kinh tế cấp cao của Công ty tài chính Moody's Analytics cho biết, sự gia tăng thâm hụt hàng hóa cho thấy thương mại sẽ là lực cản đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên của năm 2021. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một vấn đề lớn do các bộ phận khác của nền kinh tế vẫn đang hoạt động tốt, điển hình như đầu tư kinh doanh vào thiết bị và chi tiêu của người tiêu dùng.
Trong thời kỳ đại dịch, lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ đã được thúc đẩy nhờ các gói cứu trợ của chính phủ. Các nhà kinh tế nhận định, thâm hụt thương mại hàng hóa vẫn sẽ ở mức cao cho đến cuối năm.
Khi đại dịch được kiểm soát, người tiêu dùng Mỹ sẽ chi tiêu ít hơn cho hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến giảm nhập khẩu và người dân quốc gia khác sẽ tăng mua hàng xuất khẩu của Mỹ khi nền kinh tế phục hồi hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.