Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảm họa MH17: Giá đắt cho cuộc khủng hoảng Ukraine

Đình Hiệp| 21/07/2014 06:10

(HNM) - Khủng hoảng Ukraine đã không dừng lại ở những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko với những nhóm ủng hộ ly khai ở hai thành phố Lugansk và Donetsk ở miền Đông nước này.


Sự kiện chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng Hàng không Malaysia bị rơi tại miền Đông nước này, khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát khiến toàn bộ phi hành đoàn và hành khách tổng cộng 298 người với nhiều quốc tịch khác nhau thiệt mạng là cái giá đắt mà thế giới phải trả cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu.

Chính phủ Ukraine và quân ly khai đưa thi thể các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ rơi máy bay.



Giữa lúc thế giới đang nóng lòng chờ đợi kết quả một cuộc điều tra toàn diện và khách quan về thủ phạm gây thảm họa hàng không kinh hoàng trên, tình hình chiến sự tại khu vực miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ghi nhận tại Ukraine cho thấy, các thông tin hai phía đưa ra trái ngược nhau. Trong khi lực lượng dân quân Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng cho biết vừa đẩy lui cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào Lugansk và gây thiệt hại nặng nề cho quân chính phủ thì Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valery Gheletei lại báo cáo với Tổng thống P.Poroshenko rằng, quân đội đã giành quyền kiểm soát khu vực Đông nam Lugansk và giải tỏa sân bay thành phố này. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE), từ đầu tháng 6 tới nay, tại tỉnh Lugansk đã có 250 thường dân bị thiệt mạng, 850 người bị thương và tình hình tại Donetsk và Lugansk vẫn tiếp tục căng thẳng.

Sự kiện chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng Hàng không Malaysia bị rơi tại miền Đông Ukraine được coi là bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại đây. Thế nhưng, nhiều chuyên gia nhận định rằng, tấn thảm kịch dù gây chấn động cả thế giới cũng sẽ khó làm đổi hướng cuộc xung đột đang diễn ra tại quốc gia Đông Âu. Trước tình hình căng thẳng tại miền Đông Ukraine sau vụ MH17, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các bên tại Ukraine giải quyết cuộc khủng hoảng theo đường hướng hòa bình càng sớm càng tốt. Nhấn mạnh vụ rơi máy bay Malaysia một lần nữa cho thấy yêu cầu cấp thiết của việc giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thống V.Putin cho rằng, thảm họa có thể đã không xảy ra nếu khu vực miền Đông Ukraine không rơi vào bất ổn.

Trong một cuộc điện đàm mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry ra tuyên bố nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thông qua các biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo đó, một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột tại Ukraine là điều mà hai bên quan tâm khi cho rằng tất cả các bên cần quay trở lại thực hiện thỏa thuận Geneva ngày 17-4, trong đó yêu cầu ngừng ngay các hành vi bạo lực và ngay lập tức bắt đầu tiến trình cải cách hiến pháp với sự tham gia của tất cả các khu vực ở Ukraine. Hai bên cũng thỏa thuận sử dụng ảnh hưởng của Nga và Mỹ đối với các bên đối đầu tại Ukraine để đưa các lực lượng đi theo hướng nói trên. Bên cạnh đó, cả Nga và Mỹ đều nhấn mạnh cuộc khủng hoảng không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự mà chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua đồng thuận toàn dân tộc.

Xung đột tại miền Đông Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sự tăng trưởng kinh tế của nước này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây dự báo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine trong năm 2014 sẽ âm 6,5%, cao hơn mức dự báo trước đó là âm 5%. Dự báo này được Giám đốc IMF tại Ukraine Nikolai Georgiev đưa ra sau khi tổ chức này hoàn thành đánh giá việc Chính phủ Ukraine thực hiện các điều khoản cam kết theo chương trình cứu trợ 2 năm trị giá 17 tỷ USD. IMF cũng cảnh báo cuộc xung đột ở miền Đông - vốn là trung tâm công nghiệp quan trọng của Ukraine - đang giáng một đòn nặng khiến nền kinh tế nước này suy giảm nhanh hơn dự báo.

Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ đe dọa đến cuộc sống của người dân trong vùng chiến sự tại miền Đông mà còn ảnh hưởng đến hòa bình khu vực cũng như an ninh hàng không thế giới. Sau sự kiện đẫm nước mắt MH17, hàng không nhiều nước đã đổi đường bay, không đi qua không phận của Ukraine để bảo đảm an ninh. Thảm họa MH17 không chỉ là một bài học đắt giá cho ngành hàng không toàn cầu mà còn phát đi một cảnh báo đẫm máu về hệ lụy từ cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Trong bối cảnh đó, một thỏa thuận ngừng bắn chưa phải là giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng mà các bên liên quan cần phải đẩy nhanh việc thiết lập một nền hòa bình thực sự và lâu dài ở quốc gia Đông Âu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảm họa MH17: Giá đắt cho cuộc khủng hoảng Ukraine

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.