Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảm họa đe dọa sản xuất nông nghiệp

Hữu Hoài| 09/03/2010 06:46

(HNM) - Những biến đổi dị thường của thời tiết thời gian gần đây, việc xuất hiện dịch bệnh lạ phá hại cây trồng làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cảnh báo biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động xấu và là thảm họa đe dọa nền sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.


Những con số biết nói

Ảnh hưởng của bão, lũ đối với nông nghiệp rất nặng nề.   Ảnh: Bá Hoạt


Báo cáo mới nhất của Chương trình Lương thực thế giới cho thấy, BĐKH làm tăng gấp 4 lần số các vụ thiên tai trong thập kỷ qua và Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thiên tai gia tăng đã đẩy lùi những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững để chống đói nghèo. Bộ NN&PTNT cho biết, những năm gần đây, nước ta phải hứng chịu trung bình từ 6-8 trận bão, lũ lớn. Ước tính thiệt hại do bão, lũ tàn phá hằng năm chiếm khoảng 1,5% GDP cả nước, nghiêm trọng hơn, mỗi năm có khoảng 500 người bị thiệt mạng bởi bão, lũ. Đời sống của bà con mỗi khi bão, lũ đi qua bị ảnh hưởng hết sức nặng nề, nhiều năm sau đó mới có thể khắc phục được. BĐKH cũng làm thay đổi quy luật thủy văn các con sông, gây nên hiện tượng hạn hán trên diện rộng ảnh hưởng đến việc gieo trồng vụ xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương thống kê, hơn 2 tháng đầu năm 2010, có những thời điểm, mực nước sông Hồng xuống thấp kỷ lục chỉ còn 0,54m, thấp nhất trong lịch sử 200 năm qua. Trái ngược với miền Bắc, tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, liên tiếp từ giữa tháng 2 đến nay, do triều cường nước biển dâng cao đã xâm nhập mặn sâu tới 35-70km vào vùng ngọt ổn định, làm ảnh hưởng nhiều diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Tại tỉnh Bạc Liêu, độ mặn đo được trong ngày 7-3 tại khu vực huyện Hồng Dân ảnh hưởng đến 20.000ha lúa. Tại Trà Vinh, hiện độ mặn so với cùng kỳ năm trước đã tăng lên gần gấp đôi, từ 0,35% lên đến 0,67%; Bến Tre, độ mặn đã lên đến 0,4% và ở Cà Mau có nơi đo được là 3%. Khi nước bị nhiễm độ mặn 0,4% thì không thể dùng cho sản xuất, nuôi trồng được và độ mặn sẽ còn tăng vọt sau mỗi đỉnh triều cường. Kiểu thời tiết thay đổi thất thường đã làm tăng nguy cơ xuất hiện các loài dịch bệnh, cơ cấu cây trồng bị đảo lộn, năng suất cây trồng giảm dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực. Hiện, tại các tỉnh miền Bắc gần 50ha lúa mới cấy xuất hiện bệnh lùn sọc đen, còn tại các tỉnh phía Nam, 67.000ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn trỗ bông bị rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn cổ bông phá hại chắc chắn sẽ làm giảm năng suất. Trước đó, vụ hè thu năm 2009, bệnh vàng lùn sọc đen ở các tỉnh phía Nam gây hại ở 14 tỉnh và lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, nhiệt độ thay đổi thất thường sẽ làm xuất hiện sâu bệnh trên cây trồng nhiều hơn, sinh lý cây trồng cũng vượt quá giới hạn chịu đựng. Các nhà khoa học cho rằng, nếu như nhiệt độ tăng lên 1oC sẽ ảnh hưởng đến 25% năng suất cây trồng.

Thích ứng và giảm nhẹ

Các kịch bản của BĐKH cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Nó không những làm mất đất ở mà còn thu hẹp đất sản xuất dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực, nếu như không có giải pháp thích ứng, giảm nhẹ kịp thời. Để chủ động né tránh, khắc phục có hiệu quả tác động của BĐKH, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phải nâng cao nhận thức của cả cộng đồng. Ông Thông cho rằng, trên cơ sở Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH cần tập trung tuyên truyền để nhân dân chủ động ứng phó. Ứng phó được coi là một thách thức chủ yếu bảo đảm cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững, sát sườn đối với việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo ở khu vực nông thôn cũng như các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Các lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất phải tính đếm như thiên tai, hỏa hoạn rừng, thủy lợi, an ninh lương thực, khu vực thấp và các vùng đồng bằng duyên hải… cần được ưu tiên nghiên cứu đầu tư. Từ nghiên cứu tìm ra được khả năng thích ứng và các giải pháp ứng phó giảm nhẹ. Đơn cử như lĩnh vực trồng trọt, cần nghiên cứu sàng lọc các loại giống cây trồng chủ lực như: lúa, ngô chịu được với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt của lũ lụt, hạn hán hoặc thay đổi nhiệt độ bất thường. Với việc chống úng ngập, nước mặn xâm nhập vào các vùng đất ngọt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có thể áp dụng các giải pháp về công trình như kiên cố hệ thống đê, công trình thủy lợi là hợp lý và cảnh báo sớm những vùng nhiều khả năng bị nước mặn xâm nhập khi nhiệt độ tăng cao. Quan trọng hơn đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và bố trí cây trồng hợp lý, nhất là ở những nơi dễ bị tổn thương do BĐKH. Trên cơ sở quy hoạch, đối với những vùng đất cao sẽ chuyển sang trồng cây chịu hạn, giống chịu hạn để giảm áp lực về nước tưới, ngược lại với vùng thường xuyên xảy ra úng ngập chuyển sang loại cây trồng chịu úng, phèn, nhiễm mặn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảm họa đe dọa sản xuất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.