Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham gia các hoạt động thiện nguyện: Cần sự cẩn trọng, minh bạch

Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền| 18/12/2021 13:18

(HNNN) - Thời gian qua, ngày càng có nhiều người, tổ chức làm từ thiện; hình thức hoạt động và hội nhóm, câu lạc bộ hay tổ chức từ thiện rất đa dạng. Nhưng trước khi làm từ thiện, mỗi người cần có thông tin chính xác về nơi, đối tượng cần hỗ trợ và người kêu gọi hỗ trợ để hỗ trợ đúng người, tránh “rước bực vào thân”.

Đoàn Thanh niên quận Hà Đông trao gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nguyễn Quang Thái

1. Có thể hiểu “từ thiện” có nghĩa là làm việc tốt xuất phát từ lòng yêu thương; đó có thể là việc giúp đỡ những người gặp khó khăn, thiếu may mắn. Theo quan điểm chung thì từ thiện là hành vi giúp người nhưng không phải tất cả hành động giúp người nào cũng được gọi là từ thiện. Từ thiện thường phải đi chung với không vụ lợi (làm không vì lợi ích riêng) và thiện nguyện (tự nguyện làm vì điều tốt). Những hành vi giúp đỡ có toan tính mà không xuất phát từ lòng thương thì không được gọi là từ thiện. Một trong những đặc điểm của “từ thiện” là thường xuất phát từ lòng tự nguyện, nên không có những nguyên tắc bắt buộc nào.

Phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” được dấy lên trong giai đoạn cả nước chống đại dịch Covid-19 để hỗ trợ y, bác sĩ tuyến đầu và người dân phải cách ly, hay người bị mất việc làm. Nhân dân cả nước đã chung tay giúp người dân miền Trung vượt qua khó khăn trong bão lũ. Nhiều cơ quan, tổ chức đến với vùng thiên tai chung tay góp sức sẻ chia khó khăn, đã để lại hình ảnh đẹp về tinh thần “tương thân, tương ái” của người Việt Nam.

Thông tin về các hoạt động từ thiện, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19 được chia sẻ mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh các hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, vẫn có những mặt trái, cho thấy chúng ta cần tỉnh táo hơn với hoạt động này để lòng tốt được đặt đúng chỗ và để những giá trị tốt đẹp được lan tỏa xứng đáng.

Hiện nay, thường khi thấy kêu gọi từ thiện là mọi người chuyển khoản mặc dù chưa biết rõ thông tin đó có chính xác không. Để rồi khi phát hiện ra có trường hợp gian dối thì nhiều người có suy nghĩ tiêu cực đối với việc từ thiện. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xác nhận và tìm hiểu thông tin về người cần giúp đỡ từ những kênh chính thống, những cơ quan, tổ chức đáng tin cậy trước khi cùng chung tay giúp đỡ. Mục đích của từ thiện là tăng ý thức quan tâm đến những người xung quanh trong cộng đồng, liên kết những tấm lòng hảo tâm với người có hoàn cảnh khó khăn. Thay vì cho “con cá”, tại sao ta không cho “cầu câu”? Làm từ thiện bằng nhiều cách và tùy vào từng đối tượng chứ không nhất thiết lúc nào cũng cho tiền, tặng quà.

2. Các hoạt động từ thiện hiện nay thường chỉ tập trung vào từ thiện nhân đạo để đáp ứng nhanh nhu cầu cấp bách của cộng đồng người bị nạn sau khi thiên tai địch họa xảy ra, rồi thôi. Tuy nhiên, công tác từ thiện hướng tới phát triển mới là mục tiêu mà chúng ta cần đặt ra, để giúp cộng đồng không chỉ đứng dậy được sau khó khăn hôm nay mà còn đủ năng lực và nguồn lực chống chọi với những thiên tai sẽ xảy ra trong tương lai.

Làm từ thiện ngoài lòng tốt, sự tử tế, còn cần phải có cả sự chuyên nghiệp - ngoài trách nhiệm minh bạch thì còn cần có báo cáo về hiệu quả của đồng tiền từ thiện mà nhà hảo tâm đã bỏ ra. Từ thiện phát triển phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy vận mệnh của mình. Nếu những người nhận hỗ trợ mà năm này qua năm khác vẫn phải nhận hỗ trợ thì hoạt động từ thiện, hỗ trợ đó là chưa thành công. Đối với những hoàn cảnh thiếu thốn tiền bạc, bệnh tật thì tặng tiền để họ chữa bệnh là hợp lý. Còn đối với những người khó khăn mà có sức khỏe thì nên tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn, tìm đầu ra để họ yên tâm làm ăn.

Từ thiện, dù ở góc độ nào cũng đều mang tính nhân văn, vì vậy, chúng ta đừng vì sợ “thương nhầm” mà không dám sẻ chia, đừng vì một số cá nhân lợi dụng từ thiện để trục lợi mà không vào cuộc chung tay chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Quan trọng là trước khi làm từ thiện, chúng ta nên tìm hiểu về đối tượng mà mình muốn giúp đỡ, rồi mới quyết định làm gì cho họ. Bởi vì làm từ thiện là đem niềm vui cho người khác chứ không phải làm vì chúng ta. Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện, các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.

MC Quyền Linh đã bất chấp nguy hiểm để tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ người dân thành phố Hồ Chí Minh trong dịch Covid-19.

3. Cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin.

Thời gian gần đây, vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, bởi ngày càng có nhiều chương trình thiện nguyện tiếp nhận quyên góp từ cộng đồng với số tiền rất lớn, nhưng trong cách vận hành hoạt động và tổ chức lại bộc lộ không ít bất cập. Việc đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động từ thiện là chính đáng và cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động “tương thân, tương ái” thật sự phát huy hiệu quả.

Trên thực tế, lâu nay, việc minh bạch thông tin cũng như công khai các khoản thu chi của nhiều chương trình từ thiện vẫn còn không ít bất cập. Sự việc ngày càng nóng lên khi một số hoạt động từ thiện của cá nhân, tổ chức có dấu hiệu khuất tất. Thay vì trả lời rõ ràng kèm bằng chứng cụ thể, có người chỉ lên mạng xã hội hứa hẹn chung chung về việc sẽ công khai sao kê ngân hàng; người thanh minh, khóc lóc; người cho rằng bị vu khống; người lớn tiếng tự bênh vực nhưng không đưa ra được bằng chứng cho thấy đã dùng số tiền quyên góp từ thiện vào những nội dung gì...

Đây rõ ràng không phải là cách làm việc chuyên nghiệp. Bởi vì, về nguyên tắc, người tham gia các chương trình từ thiện có quyền yêu cầu giải ngân số tiền mà họ đã đóng góp và người nhận tiền quyên góp phải có trách nhiệm giải trình, nhất là khi số tiền quá lớn thì việc giám sát, công khai tài chính là rất cần thiết. Thực tế trên cho thấy, để hoạt động thiện nguyện thực chất và hiệu quả, xây dựng được niềm tin vững chắc trong cộng đồng thì yêu cầu về tính minh bạch cần phải được đặt ra như một nguyên tắc hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia các hoạt động thiện nguyện: Cần sự cẩn trọng, minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.