Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thái Lan trước cơn sóng ngầm mới

Đình Hiệp| 16/10/2010 07:29

(HNM) - Sau một thời gian tạm lắng, những đợt


Hành động gia tăng bạo lực của phe "áo đỏ" do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) cầm đầu không chỉ đẩy chính trường xứ Chùa Vàng đến trước nguy cơ bất ổn mới, mà còn cản trở tiến trình hòa giải dân tộc cũng như những nỗ lực cải cách nền kinh tế đất nước sau cơn bão khủng hoảng mà chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đang thực hiện.

Các đơn vị quân đội của Thái Lan đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng.   Ảnh: AP

Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới có thể tái diễn tại Thái Lan, nhất là tại thủ đô Bangkok, dường như có cơ sở khi chủ nhật vừa qua hàng nghìn người phe "áo đỏ" đã xuống đường biểu tình; cầm cờ, biểu ngữ, ảnh của những người "áo đỏ" từng thiệt mạng, tập trung tại Tượng đài Dân chủ ở thủ đô Bangkok - địa điểm xảy ra cuộc đụng độ giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh hồi tháng tư vừa qua - để phản đối chính phủ. Việc chính phủ đang giam giữ 252 người "áo đỏ," trong đó có 19 thủ lĩnh phe này vì bị cáo buộc khủng bố, gây rối trật tự và vi phạm pháp luật có thể là cái cớ để phe này đẩy mạnh các hoạt động chống đối, trong đó không loại trừ khả năng sẽ tiến hành các vụ đánh bom bất ngờ nhằm vào những "mục tiêu" quan trọng tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận.

Để ngăn chặn các hành động quá khích của lực lượng "áo đỏ", trong 48 giờ qua, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã cho triển khai quân đội tại 1.868 khu vực trên toàn bộ 50 quận ở thủ đô Bangkok cũng như các tỉnh xung quanh nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra các vụ đánh bom. Theo mệnh lệnh, các binh sỹ thuộc ba đơn vị chủ lực gồm Sư đoàn Bộ binh số 1, Sư đoàn Kỵ binh số 2 và Bộ Tư lệnh Phòng không thuộc Lục quân Thái Lan sẽ được triển khai khắp Bangkok và ba tỉnh lân cận gồm Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan, nơi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực. Mỗi đơn vị phải cử lực lượng phản ứng nhanh tới mọi địa điểm xảy ra bạo lực trong vòng 15 phút; thiết lập kênh liên lạc với người dân địa phương, qua đó giúp các nhà chức trách phát hiện sớm những vấn đề khả nghi.

Sau cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" hồi tháng tư vừa qua làm 91 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực xúc tiến các dự án hòa giải dân tộc, trong đó thành lập các ủy ban cải cách do cựu Thủ tướng Anand Panyarachun và Chủ tịch Hội đồng Cải cách quốc gia Thái Lan Prawase Wasi đứng đầu. Tuy nhiên, những động thái gần đây của lực lượng "áo đỏ", đáng chú ý là một loạt vụ nổ tại thủ đô Bangkok và một số tỉnh vừa qua như "gáo nước lạnh" dội vào tiến trình hòa giải dân tộc và cải cách của Chính phủ Thái Lan. Không dừng lại ở đó, Somyot Pruksakasemsuk, Thủ lĩnh nhóm Dân chủ ngày 24-6, một nhánh chính trị của phong trào "áo đỏ" mới đây tiếp tục gây sức ép với Chính phủ Thái Lan khi đưa ra 5 yêu cầu gồm: thả toàn bộ các thành viên "áo đỏ" đang bị giam giữ, cải cách tư pháp, cải cách kinh tế, cải cách ruộng đất và nới lỏng truyền thông.

Trái với những lo ngại của dư luận trong và ngoài Thái Lan những ngày qua về nguy cơ bất ổn mới tại thủ đô Bangkok, Chủ tịch Hội đồng Cải cách quốc gia Prawase Wasi tỏ ra khá lạc quan khi nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác rằng, các vụ việc trên sẽ như một động lực thúc đẩy người dân Thái Lan nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải có hòa bình và hòa giải dân tộc trong bối cảnh hiện nay, qua đó khuyến khích họ tham gia tiến trình này. Nhận định trên là cơ sở để ông quả quyết rằng, tình trạng bạo lực không phải là trở ngại đối với cải cách của Thái Lan hiện nay.

Như vậy, không có nghĩa an ninh tại Thái Lan hiện nay rất khả quan. Ngược lại, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Cảnh sát trưởng quốc gia, Tướng Wichean Potephosree mới đây đưa ra cảnh báo, 64 người được huấn luyện sử dụng vũ khí từ nước ngoài đã thâm nhập thủ đô Bangkok và có thể xúi giục gây rối, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan tình báo nước này vừa lưu ý về khả năng sẽ xảy ra nhiều vụ nổ trong tháng 10 này - tháng mà các phe phái ở Thái Lan kỷ niệm một số vụ sinh viên và người biểu tình bị trấn áp trong những năm 1973, 1976 và 2008. Đây sẽ là những nguy cơ bất ổn mới đang rình rập thủ đô Bangkok.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan trước cơn sóng ngầm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.