Sốt Chikungunya không gây tử vong, nhưng các triệu chứng của bệnh có thể chuyển sang mạn tính, có những trường hợp chuyển thành viêm khớp nặng khiến bệnh nhân không thể đi thẳng được.
(Nguồn: bangkokpost.com) |
Ngày 10-6, truyền thông Thái Lan đưa tin, Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC) đã cử các nhân viên y tế đến huyện Suan Phung, tỉnh Ratchaburi sau khi tiếp nhận báo cáo về việc 14 công dân Singapore bị nhiễm sốt Chikungunya - hay còn gọi là “sốt khom lưng”, lây truyền qua đường muỗi cắn.
Cục trưởng DDC Suwannachai Wattanayingcharoenchai cho biết, đội nhân viên y tế sẽ tiến hành phun thuốc diệt muỗi ở các khu vực dự kiến vào tuần này. Đồng thời, các quan chức địa phương cũng sẽ cung cấp màn cho cộng đồng dân cư và tổ chức tổng vệ sinh nhằm dọn sạch các điểm ao tù, nước đọng, nơi sinh sản của muỗi.
Quyết định trên được đưa ra sau khi DDC tuyên bố, huyện Suan Phung là vùng có nguy cơ cao vì 14 giáo viên và sinh viên người Singapore có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Chikungunya vào tuần trước.
Những người này đến thăm một cộng đồng địa phương, sau đó xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ và nôn. Các bệnh nhân được đưa đến bệnh viện điều trị, sau đó đã về nhà.
Theo số liệu của DDC, 3.592 ca “sốt khom lưng” đã được báo cáo trong năm nay và chưa có trường hợp nào tử vong.
Hầu hết bệnh nhân có độ tuổi từ 25-34, tiếp đến là các nhóm tuổi 15-24 và 35-44. Triệu chứng bệnh bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và phát ban.
Các triệu chứng này thường xuất hiện khoảng từ 4-8 ngày sau vết cắn từ muỗi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hiện tượng đau nhức cơ thể có thể kéo dài hàng năm.
Sốt Chikungunya không gây tử vong, nhưng các triệu chứng của bệnh có thể chuyển sang mạn tính. Có những trường hợp chuyển thành viêm khớp nặng khiến bệnh nhân không thể đi thẳng được nên gọi là “sốt khom lưng”.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giống với bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika, và bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm ở những nơi phổ biến hai loại bệnh này. Chikungunya là virus lây truyền bởi muỗi, lần đầu tiên được phát hiện trong đợt dịch năm 1952 tại Tanzania.
Virus này có chứa axit ribonucleic (RNA), thuộc chi alphavirus của họ togaviridae. Hiện nay, trên thế giới chưa có kháng sinh Chikungunya, nên việc điều trị sẽ tập trung vào chữa các triệu chứng cho đến khi cơ thể sản sinh ra kháng thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.