Chủ tịch Quốc hội Thái Lan ông Somsak Kiatsuranont đang chịu sức ép về việc Quốc hội nước này có hay không họp tiếp vào ngày mùng 8/6 tới.
Lên tiếng về tình cảm trớ trêu của mình với giới báo chí, ông Somsak Kiatsuranont cho biết, nếu tiếp tục triệu tập họp Quốc hội, ông sẽ sai khi chống lệnh của Tòa án Hiến pháp Thái Lan, còn nếu không triệu tập họp Quốc hội, ông sẽ vi phạm Hiến pháp Thái Lan với tư cách là Chủ tịch Hạ viện kiêm Chủ tịch Quốc hội.
|
Cảnh sát vây quanh bảo vệ Chủ tịch Quốc hội Somsak Kiatsuranont trong cuộc hỗn loạn tại Quốc hội Thái Lan hôm 30-5 - Ảnh: Reuters |
Chuyện rắc rối xảy ra sau khi Quốc hội Thái Lan nhóm họp phiên họp thứ hai, bỏ phiếu Dự luật sửa đổi Hiến pháp và thảo luận về 4 Dự thảo Dự luật Hòa giải dân tộc. Do sự phản ứng quyết liệt của Nghị sỹ phe Dân chủ đối lập và những người Áo vàng biểu tình bên ngoài, phiên họp đã phải hoãn vô thời hạn. Ngay sau đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra yêu cầu Quốc hội phải ngừng việc xem xét về Dự thảo Dự luật Hòa giải dân tộc và bỏ phiếu Dự luật sửa đổi Hiến pháp.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho rằng, họ đã đúng khi vận dụng điều 68 và 291 trong Hiến pháp để đưa ra yêu cầu Quốc hội ngừng họp, còn các nghị sỹ đảng cầm quyền Vì nước Thái chiếm đa số trong Quốc hội lại cho rằng, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã lạm quyền và Quốc hội không sai khi cứ tiếp tục nhóm họp.
Phía Đảng Dân chủ đối lập còn tăng thêm sức ép khi liên tiếp đề nghị Chính phủ Thái Lan trình lên Nhà Vua một Sắc lệnh để ngừng kỳ họp thường kỳ của Quốc hội. Lãnh đạo Đảng Dân chủ còn cho rằng, nếu Quốc hội tiếp tục nhóm họp, các nghị sỹ đảng Dân chủ sẽ đồng loạt tẩy chay.
Các cuộc biểu tình đường phố, đặc biệt của Liên minh nhân dân vì Dân chủ (PAD) song hành với cuộc đấu tranh quyết liệt trong nghị trường của Đảng Dân chủ đối lập gần đây cho thấy, tình hình chính trị Thái Lan còn tiếp tục phức tạp và nhiều ẩn số.