(HNM) - Ngày 30-5, thủ đô Bangkok (Thái Lan) lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi hàng nghìn người thuộc Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD - còn gọi là phe "áo vàng") và Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD - còn gọi là "phe áo đỏ") cùng đổ về để bày tỏ quan điểm trước dự luật hòa giải dân tộc dự kiến sẽ ân xá cho tất cả các tội phạm chính trị, trong đó có cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Phe “áo vàng” biểu tình bên ngoài khu Royal Plaza, Bangkok ngày 30-5. |
Đúng như kế hoạch, "phe áo vàng" đã tập trung tại khu Loyal Plaza ở Bangkok và tuần hành đến trụ sở Quốc hội để phản đối dự luật hòa giải dân tộc được Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra hậu thuẫn. Trong khi đó, "phe áo đỏ" cũng chọn địa điểm tập trung tại khu vực tòa nhà Quốc hội để bày tỏ ủng hộ dự luật nói trên. Dù cuộc biểu tình diễn ra tương đối hòa bình dưới sự kiểm soát của hàng ngàn cảnh sát Thái Lan, song những bất đồng cố hữu giữa PAD - UDD vẫn luôn là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự ổn định của xứ sở Chùa Vàng.
Trên thực tế, kể từ khi nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan Yingluck Shinawatra lên nắm quyền vào tháng 8-2011, tình trạng mâu thuẫn chính trị trong nước đã được cải thiện đáng kể. Từ chỗ bị nghi ngại là một nhà lãnh đạo non nớt kinh nghiệm chính trường, em gái của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đã từng bước khẳng định được khả năng chèo lái đất nước. Uy tín của Đảng Vì nước Thái cầm quyền ngày càng gia tăng sau khi bà Y.Shinawatra vững vàng vượt qua thử thách hóc búa đầu tiên trong nhiệm kỳ, đó là trận lụt tồi tệ nhất trong vòng 50 năm tại Thái Lan vào cuối năm ngoái. Nền kinh tế Thái Lan đã phục hồi nhanh chóng. Những chỉ số vừa được công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng đã tăng 11% so với quý trước và dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5,5% tới 6,5% trong năm nay. Cũng nhờ những chuyển biến tích cực này, Thái Lan đã được chọn đăng cai Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á lần thứ 21 có chủ đề "Hình thành tương lai cho khu vực thông qua việc kết nối" được tổ chức ngày 31-5 và 1-6 với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Với những gì đã thể hiện trong 8 tháng vừa qua, cũng thật dễ hiểu vì sao kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy, đa số những người được hỏi chọn bà Y.Shinawatra là chính khách được lòng dân nhất trong Chính phủ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận tiến trình hòa giải dân tộc mà nữ lãnh đạo 45 tuổi này từng đề cập như một ưu tiên hàng đầu trong thời gian nắm quyền là một trở ngại vô cùng khó vượt. Mọi rắc rối hiện nay xoay quanh dự luật về vấn đề này dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào ngày hôm nay (31-5). Ngay từ khi được xây dựng, văn kiện này đã bị phe đối lập, đặc biệt là PAD, phản đối dữ dội khi cho rằng, đây là một kế hoạch nhằm xóa tội và mở đường đưa cựu Thủ tướng Thaksin - người bị kết án 2 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, đang sống lưu vong ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) - về nước. Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích có uy tín của Thái Lan cho rằng, vấn đề của xã hội Thái Lan không chỉ ở "áo đỏ", "áo vàng" hay là "đa màu sắc" mà còn do một số điểm bất hợp lý trong cơ cấu quản lý của các cơ quan công quyền Thái Lan. Để thực thi kế hoạch hòa giải dân tộc, các nhà lãnh đạo không chỉ cần thời gian mà còn phải tôn trọng sự minh bạch, các nguyên tắc về pháp quyền, dân chủ và nhân quyền. Vì thế, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan cũng từng kêu gọi các nhà chính trị và nhân vật quan trọng tại Thái Lan cần nhân nhượng, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết để thúc đẩy tiến trình hòa giải ở xứ Chùa Vàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.