Thế giới

Thái Lan có Thủ tướng mới: Giải tỏa thế bế tắc chính trị

Hoàng Linh 24/08/2023 - 06:58

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, doanh nhân bất động sản hàng đầu Thái Lan Srettha Thavisin đã chính thức được Quốc hội nước này bầu làm Thủ tướng. Kết quả này bước đầu giải tỏa thế bế tắc chính trị kéo dài suốt từ cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 5. Tuy nhiên, chặng đường phía trước được đánh giá vẫn còn nhiều cam go.

thai-lan.jpg
Ông Srettha Thavisin với báo chí sau khi được bầu giữ chức Thủ tướng Thái Lan.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Thái Lan chiều 22-8 vừa qua, với 482 phiếu ủng hộ, 165 phiếu chống và 81 phiếu trắng, ông Srettha Thavisin, ứng cử viên của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đã giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Sinh năm 1963, Thủ tướng Srettha Thavisin có bằng kỹ sư kỹ thuật dân dụng của Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan) và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Claremont (Mỹ). Ông từng nhiều năm dẫn dắt doanh nghiệp bất động sản Sansiri của gia đình, nhưng từ chức vào tháng 4-2023 để theo đuổi sự nghiệp chính trị.

Việc Thủ tướng Srettha Thavisin nắm quyền đã giải tỏa thế bế tắc chính trị diễn ra suốt từ cuộc bầu cử hồi tháng 5 - sự kiện đã chứng kiến số phiếu cao nhất thuộc về đảng Tiến lên phía trước (MFP).

Trên cương vị mới, nhà lãnh đạo Thái Lan đối mặt với nhiệm vụ hồi sinh đất nước và thúc đẩy nền kinh tế, vốn ghi nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 1,8% trong quý II-2023, thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% được dự đoán trong cuộc thăm dò của Hãng tin Reuters.

Tầm nhìn mà ông Srettha Thavisin từng nêu ra là phát triển kinh tế thông qua tập trung theo đuổi các hiệp định thương mại tự do với các nhà nhập khẩu và nhà đầu tư quan trọng như Liên minh châu Âu (EU), đồng thời nắm bắt các thị trường xuất khẩu mới ở Trung Đông và châu Phi.

Để cải thiện đời sống người dân, Thủ tướng Srettha Thavisin hứa mang lại công bằng xã hội và quản trị tốt. Trong 100 ngày đầu nắm quyền, ông và các cộng sự cam kết sẽ giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt tăng, bỏ quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc, bảo đảm quyền bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng giới và soạn một hiến pháp mới đại diện cho ý nguyện của người dân…

Trong chiến dịch vận động tranh cử, đảng Pheu Thai cũng tuyên bố sẽ tặng 10.000 baht (tương đương khoảng 300 USD) trong ví kỹ thuật số cho mỗi công dân trên 16 tuổi. Để đạt được những mục tiêu trên, việc cần làm tất yếu là phải xây dựng một bộ máy điều hành hiệu quả, đoàn kết và bền vững. Nhưng điều này được cho là đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Các ý kiến phân tích trước hết lo ngại về những bất đồng có thể phát sinh, bởi tính chất đa dạng của liên minh cầm quyền. Theo kế hoạch, Pheu Thai sẽ có 8 bộ trưởng và 9 thứ trưởng. Bhumjaithai, đảng Bảo thủ nổi tiếng với việc hợp pháp hóa cần sa và là đảng nhận được số phiếu bầu cao thứ ba trong cuộc bầu cử tháng 5, sẽ có 4 bộ trưởng và 4 thứ trưởng... Với bức tranh này, khả năng điều phối hài hòa cán cân quyền lực rõ ràng sẽ là gánh nặng lớn.

Mặt khác, liên minh bị phá vỡ giữa đảng Pheu Thai và đảng MFP đang khiến nhiều cử tri thất vọng. Việc Pheu Thai quyết định tìm kiếm một liên minh mới không có MFP xảy ra sau khi đảng của chính trị gia trẻ tuổi Pita Limjaroenrat không nhận được sự ủng hộ của các lực lượng bảo hoàng và hai lần chứng kiến ứng cử viên thủ tướng của mình bị chặn.

Tạp chí Time nhận định, động thái này tuy cho phép Thủ tướng Srettha Thavisin nhận được số phiếu cần thiết nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro lâu dài. Việc Pheu Thai chào đón các đối tác liên minh bao gồm một số đảng liên kết với giới quân sự mà họ từng vận động chống lại trước đó cũng là một lý do khiến đảng MFP từ chối ủng hộ liên minh do Pheu Thai lãnh đạo.

Thêm vào đó, việc bắt tay với các lực lượng bảo thủ, đặt đảng MFP với quan điểm tiến bộ ở thế đối lập… là những động thái được dự báo sẽ dẫn tới bức xúc trong giới trẻ Thái Lan.

CNN dẫn kết quả cuộc khảo sát của Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan (NIDA) cho thấy, khoảng 64% trong số 1.310 người được hỏi không đồng ý hoặc hoàn toàn không đồng ý với ý tưởng đảng Pheu Thai thành lập một “chính phủ với các đối thủ được quân đội hậu thuẫn”.

Nhìn ở góc độ tổng thể, mặc dù không thể phủ nhận những chông gai phía trước nhưng với việc kết nối được các thế lực và bước đầu thành lập được chính phủ một cách suôn sẻ, Thủ tướng Srettha Thavisin đã cho thấy khả năng trở thành chất keo gắn kết đời sống chính trị, xã hội Thái Lan. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để bộ máy điều hành mới từng bước đưa nền kinh tế quan trọng của Đông Nam Á trở lại quỹ đạo phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan có Thủ tướng mới: Giải tỏa thế bế tắc chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.