Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thải độc detox, "tiền mất tật mang"

Thu Trang| 03/04/2017 06:58

(HNM) - Thời gian qua trên mạng xã hội lan truyền những bí quyết giảm cân, làm đẹp da, trị bệnh, ngăn ngừa ung thư bằng phương pháp detox (thanh lọc, thải độc cơ thể) thu hút sự chú ý của nhiều người...

Muốn thanh lọc, thải độc cơ thể cần tìm hiểu và được tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: Thái Hiền


Mắc thêm bệnh vì… detox

Trào lưu detox rộ lên với tác dụng “truyền miệng” khiến cho không ít người phải nhận hậu quả không đáng có. Tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị suy kiệt, hạ huyết áp, đường huyết, tiêu chảy, loét dạ dày…, thậm chí đánh đổi cả tính mạng do việc tự thanh lọc cơ thể gây ra.

Bệnh viện Bạch Mai vừa mới đây đã cấp cứu bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng hôn mê, tăng đường huyết, tăng thẩm thấu máu… Qua khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân thấy mọi người chia sẻ trên mạng xã hội về phương pháp giảm cân, loại bỏ được độc tố khỏi cơ thể bằng công thức “detox nước dừa” nên đã áp dụng. Hậu quả sau những lần nạp năng lượng cho cơ thể chủ yếu là nước dừa, bệnh nhân đã bị tiêu chảy, nhiễm ceton máu - một biến chứng cấp tính nguy hiểm thường gặp ở người bệnh đái tháo đường.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cũng từng tiếp nhận không ít nạn nhân của những bài thuốc thải độc, trị bệnh xơ gan “truyền miệng”. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ThS. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu cho biết, bản chất detox là chế độ nhịn ăn và chỉ dùng một số loại nước trái cây. Áp dụng nhiều nhất là chế độ nhịn ăn và uống nước pha muối (hoặc đường) với 8-12 quả chanh mỗi ngày. Thông thường, việc dự trữ năng lượng ở gan được hơn một ngày, dự trữ ở cơ và tổ chức mỡ được một tuần. Khi quá trình nhịn ăn kéo dài, cơ thể hết nguồn dự trữ buộc phải tiêu hủy các mô quan trọng, như mô cơ, mô mỡ… để sinh năng lượng. Thậm chí, sự tiêu hủy này sẽ lan đến cả cơ tim và não dẫn tới tử vong.

“Tại Hà Nội từng có trường hợp thiếu nữ 18 tuổi tử vong do áp dụng phương pháp nhịn ăn 12 ngày để thanh lọc cơ thể, giảm cân. Đây là bài học cho nhiều người”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo.

Gần đây, trên mạng xã hội còn phổ biến phương pháp điều trị bệnh ung thư bằng việc nhịn ăn, kiêng ăn tinh bột, đường, hạn chế chất đạm. Phương pháp này được lý giải, khi không được nuôi dưỡng đầy đủ, thậm chí bị bỏ đói, tế bào ung thư sẽ chết. Thế nhưng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng, khi cơ thể suy kiệt, thiếu chất, tế bào lành cũng bị tiêu diệt. Như vậy, tế bào ung thư sẽ có cơ hội phát triển khiến bệnh nhân tử vong nhanh hơn. Điều đáng bàn, các nhà khoa học không tìm thấy chất độc cụ thể nào được thanh lọc mà lại thấy nhiều chất chuyển hóa độc được sản sinh trong chế độ ăn kiêng. Điều đó cho thấy, khi áp dụng chế độ ăn kiêng còn có thể gây thiếu hụt vitamin, rối loạn điện giải hoặc gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan. Tình trạng nhịn đói kéo dài còn dẫn đến thiểu sản niêm mạc ruột và ngừng tiết enzyme trypsin tại tụy và ruột non. Khi người bệnh được cho ăn lại thì không tiêu hóa được protein làm tăng sinh vi khuẩn C.welchi type C tại ruột, các độc tố do khuẩn này tiết ra không bị trypsin phân hủy sẽ gây viêm ruột hoại tử.

Không có tác dụng thải độc

Hiện nay, nhiều công ty còn cho ra mắt các sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ việc thải độc. Giá mỗi bộ kít hỗ trợ thải độc từ 10 đến 15 USD, được bán chạy trên thị trường. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng, do đây là ngành nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn nên nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách tuyên truyền mạnh về phương pháp thải độc detox. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy nhóm thực hiện thải độc sống khỏe hơn hay thọ hơn nhóm không thực hiện thải độc. Thế nhưng, ở Việt Nam, những công thức detox được quảng bá thiếu kiểm soát trên mạng xã hội, thậm chí, nhiều người không biết rằng, việc chia sẻ những thông tin trên mạng đó gây nguy hại như thế nào.

Theo PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), dù có “thâm niên” trong lĩnh vực chống độc, nhưng ông chưa từng thấy có tài liệu nào nói về giải độc cơ thể bằng detox. Ông Duệ cho rằng, phương pháp này có chăng chỉ tác dụng với người bị táo bón giúp đưa tất cả chất thải, phân ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, khi áp dụng detox để trị táo bón thì cũng chỉ nên thực hiện trong một ngày, tuyệt đối không áp dụng trong một thời gian dài để tránh nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Quản Thị Mơ, chuyên gia đầu ngành về điều trị hóa chất chống ung thư, Bệnh viện K khẳng định, tính tới thời điểm hiện tại chưa có một loại thuốc, thức uống hay thực phẩm nào được các nhà khoa học công nhận có khả năng thải độc cơ thể hay chữa trị được bệnh ung thư. Do vậy, người dân không nên tin vào những phương pháp, những bài thuốc thiếu căn cứ khoa học được lan truyền, chia sẻ trên mạng xã hội để tránh “tiền mất tật mang”.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng quốc gia: Cách thải độc đơn giản qua đường hô hấp, bài tiết qua da là mỗi ngày dành 15 phút hít thật sâu, thở ra mạnh, hay tập thể dục tăng tiết mồ hôi. Uống khoảng 2-3 lít nước/ngày, ăn nhiều rau và trái cây, thực phẩm có nhiều chất xơ sẽ làm lưu thông ruột tốt hơn, chống táo bón, thải chất độc ra ngoài cơ thể.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thải độc detox, "tiền mất tật mang"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.