Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức trước G20

Vân Khanh| 10/11/2010 07:07

(HNM) - “Vai trò của G20 sau khủng hoảng kinh tế” - chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh G20 (G20) tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã cho thấy sức nóng tại cuộc gặp của lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ diễn ra trong hai ngày 11 và 12-11.

Nước chủ nhà Hàn Quốc kỳ vọng vào thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G20.


Kỳ vọng cuộc tập hợp lớn của thế giới về phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh sự phục hồi còn hết sức mong manh đã đặt diễn đàn này trước những thách thức không nhỏ.

 Khác những cuộc gặp thượng đỉnh trước đây, chủ yếu tập trung tìm kiếm phương cách để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, hội nghị tại Seoul lần này sẽ đề ra phương hướng cho tương lai và thực thi chúng. Đề cập tới các vấn đề đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm hiện nay như mô hình nào sẽ giúp kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, G20 tại Seoul sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan tới tài chính và thương mại toàn cầu nhằm đạt một thỏa thuận để tái cân bằng kinh tế thế giới. Hướng tới một khuôn khổ mới trong hợp tác quốc tế, cải cách các cơ quan tài chính lớn và những định chế tài chính quốc tế cũng là một đích đến quan trọng của hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay (10-11) tới Seoul tham dự sự kiện quan trọng này trên cương vị Chủ tịch ASEAN.

Là quốc gia đầu tiên không thuộc Nhóm G7 được quyền đăng cai tổ chức sự kiện có ý nghĩa này, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đề xuất "Sáng kiến Hàn Quốc" như một trọng tâm của các cuộc thảo luận. Với 4 chủ đề hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái, cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mở rộng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và vấn đề phát triển, nước chủ nhà hy vọng G20 tại Seoul sẽ đưa ra được biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề căn bản đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Lãnh đạo xứ sở Kim chi cho rằng, thu hẹp khoảng cách tăng trưởng cũng là một nhiệm vụ trọng yếu của G20; đồng thời xem đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững trên thế giới. Trên tinh thần đó, việc hỗ trợ những quốc gia kém phát triển hơn không chỉ bằng phương thức truyền thống như viện trợ, mà trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay, vấn đề cốt lõi là phải làm thế nào để biến sự hỗ trợ thành tiềm năng tăng trưởng dài hạn để các quốc gia này có thể tự tồn tại độc lập và đóng góp trở lại vào sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Cho dù cơ chế phối hợp G20 đã chứng tỏ vai trò qua những đóng góp quan trọng trong những chính sách hợp tác chưa từng có giữa các nền kinh tế, song với bản chất là một tổ chức quốc tế với nhiều quốc gia cùng những mục tiêu phát triển khác nhau, G20 tại Seoul do đó cũng đang đứng trước những thách thức không dễ vượt. Gần như đã có câu trả lời cho vấn đề đang nóng như tỷ giá, khi các bộ trưởng tài chính G20 nhất trí thi hành chế độ tỷ giá hối đoái theo thị trường và cải tổ IMF, với sự đồng thuận lịch sử tăng tỷ lệ bỏ phiếu của các quốc gia mới nổi lên 6%. Thế nhưng, vẫn còn đó những vấn đề đang gây tranh cãi giữa các quốc gia. Một trong những sự kiện đang nổi lên là kế hoạch kích thích kinh tế lần hai trị giá 600 tỷ USD của Mỹ. Trong khi Washington kiên quyết bảo vệ chương trình in thêm tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với lập luận, quyết định táo bạo đó sẽ tốt cho nền kinh tế Mỹ và thế giới thì các quốc gia mới nổi lại lo lắng khi phải đối phó với dòng vốn nóng được dự báo sẽ đổ vào các thị trường này mang theo nguy cơ lớn về bong bóng tài sản. Đó là chưa kể đến sự hiện hữu của áp lực bảo hộ đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia như hệ quả tất yếu của chính sách ổn định kinh tế tại mỗi nước. Vì vậy, có thể thấy, cân bằng giữa lợi ích nội tại và hợp tác toàn cầu vì mục tiêu chung đang là bài toán hóc búa cho các lãnh đạo G20 trong cuộc gặp bắt đầu vào ngày mai (11-11).

11 năm sau ngày thành lập, G20 với sự tham gia của Nhóm G7, các nước mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ) và các nền kinh tế có quy mô lớn (Australia, Agentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên minh châu Âu (EU) cùng Chủ tịch ASEAN đang ngày càng thể hiện rõ vị thế trong điều phối nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với quy mô chiếm 2/3 dân số thế giới, bất kỳ sự thành công nào của một hội nghị G20 đều cần có sự cân đối lợi ích giữa các thành viên. Trong khi đó, trên thực tế không phải lúc nào lợi ích quốc gia của các nước tham dự hội nghị này cũng trùng khớp. Đây đích thực là một thách thức lớn bao trùm không khí Hội nghị G20 tại Seoul trong bối cảnh thế giới cần một cuộc bứt phá mới để thoát khỏi tình trạng trì trệ của nền kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức trước G20

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.