Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức trong xây dựng nông thôn mới

Minh Phú| 29/07/2016 07:32

(HNM) - Theo chuẩn nghèo mới, thì tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn Hà Nội là 5,6%, tăng 4,1% so với năm 2015. Trong khi, căn cứ vào hướng dẫn chấm điểm nông thôn mới (NTM), tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% mới đạt tiêu chí về xây dựng NTM. Làm thế nào để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tiêu chí xây dựng NTM là thách thức, bài toán khó đặt ra với nhiều địa phương.

Huyện Phúc Thọ rà soát hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.Ảnh: Thái Hiền


Tỷ lệ hộ nghèo tăng

Xã Yên Trung (Thạch Thất) đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2016. Ngay từ đầu năm, qua rà soát, xã chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và chợ nông thôn. Tuy nhiên, sau khi thay đổi tiêu chí đánh giá hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã tăng lên 5,4%. Chiểu theo quy định, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Trung chưa đạt tiêu chí về xây dựng NTM.

Cũng ở huyện Thạch Thất, xã Cẩm Yên đang hướng về đích hoàn thành xây dựng NTM năm 2016. Trong số 4 tiêu chí của xã chưa đạt, có tiêu chí về hộ nghèo. Đặc biệt, xã có 36 hộ được xếp vào diện “nghèo bền vững” (ốm đau, bệnh tật, người già neo đơn rất khó thoát nghèo). Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, năm 2016, toàn huyện còn 2.744 hộ nghèo, chiếm 5,3% trong tổng số hộ và 2.186 hộ cận nghèo, chiếm 4,2% tổng số hộ. Trong đó, tất cả các xã trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo đều vượt trên 3%, không đạt tiêu chí về xây dựng NTM.

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, Bí thư Huyện ủy Lê Trọng Khuê cho biết: Nếu tính theo chuẩn nghèo cũ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,4%, nhưng theo chuẩn mới đã tăng lên 10,2%, xã thấp nhất cũng 4,6% không đạt chuẩn về xây dựng NTM. Đây là thách thức lớn đối với địa phương để có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2016. Cá biệt, một số địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo khá cao.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy Hà Nội: Kết quả rà soát, đánh giá hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 13-4-2016 về “Ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020” quy định: “Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có mức sống bình quân đầu người từ 1,1 triệu đồng/ người/tháng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,1-1,5 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và thông tin”. Căn cứ vào quy định, rà soát đến nay, số hộ nghèo toàn thành phố còn 65.377 hộ, trong đó: Khu vực nông thôn còn 60.272 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 5,6%, tăng 4,1% so với năm 2015.

Trông vào sự hỗ trợ

Trước thách thức về tỷ lệ hộ nghèo tăng, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM, tại đợt kiểm tra tiến độ của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy mới đây, nhiều địa phương đã đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nhiều xã kiến nghị, đối với những trường hợp nghèo do không có sức lao động, người già neo đơn (nghèo vĩnh viễn) thì nên tách riêng, bởi những trường hợp này sẽ không thể thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan đề nghị: Thành phố xem xét đưa các hộ “nghèo vĩnh viễn” ra ngoài tiêu chí hộ nghèo xét công nhận NTM để bảo đảm công bằng giữa các địa phương. Các xã trên địa bàn huyện cần rà soát hộ có khả năng thoát nghèo, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Huyện Thạch Thất cũng sẽ đề nghị các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thu hút, giải quyết việc làm cho các lao động thuộc hộ nghèo để giúp hộ nghèo thoát nghèo trong thời gian sớm nhất.

Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí xây dựng NTM. Do đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các địa phương căn cứ vào tiêu chí hỗ trợ giảm nghèo, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nhân dân. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức trong xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.