(HNM) - Năm 2023, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước được dự báo tiếp tục gặp khó khăn bởi kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái, lạm phát, xung đột địa chính trị…, nhiệm vụ thu ngân sách là áp lực cũng như thách thức không nhỏ đối với ngành Tài chính. Để hoàn thành dự toán thu ngân sách, ngay từ tháng đầu năm, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng triển khai.
Đối mặt nhiều khó khăn
Năm 2022, thu ngân sách nhà nước đã vượt dự toán Quốc hội và Chính phủ giao. Trong năm 2023, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 1.334,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước; thu từ dầu thô là 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước…
Theo dự báo, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp những thách thức do kinh tế toàn cầu đối mặt với suy giảm, lạm phát. Thực tế, từ quý III-2022 đến nay, nền kinh tế trong nước đã bị ảnh hưởng khi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường như xung đột, khủng hoảng năng lượng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác, các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất. Ở trong nước, áp lực lạm phát gia tăng; thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn,… chưa thể khắc phục ngay. Bên cạnh đó, sức ép về lãi suất, tỷ giá, lạm phát đẩy chi phí đầu vào tăng cao, trong khi hàng hóa tiêu thụ chậm, đơn hàng xuất khẩu giảm sút…
Vì vậy, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 sẽ rất khó khăn và là thách thức không nhỏ, đòi hỏi ngành Tài chính nỗ lực không ngừng, đồng thời phải có nhiều giải pháp đột phá nhằm hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao.
Sẵn sàng các kịch bản ứng phó
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngành Tài chính xác định thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn và cũng đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai nhiệm vụ thu năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Trước hết, ngành Tài chính bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chủ động nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội những giải pháp mới phù hợp tình hình thực tiễn. Cùng với đó, ngành Tài chính tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; thực hiện các giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, tháng 1-2023 là tháng diễn ra Tết Nguyên đán nên ngay từ cuối tháng 12-2022, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ và các nhóm giải pháp thu ngân sách, trên cơ sở đặc thù của từng đơn vị, địa bàn nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng công việc, đồng thời bảo đảm thu ngân sách nhà nước ngay tháng đầu năm.
Từ nay đến cuối năm 2023, ngành Thuế chủ động đánh giá từng khoản thu, triển khai các giải pháp tăng thu, nhằm bù đắp các nguồn thu sụt giảm. Đồng thời, triển khai kịp thời các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tổng cục Thuế cũng tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Thành lập trung tâm dữ liệu của Tổng cục Thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, dữ liệu thuế; khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, hỗ trợ việc quản lý và chống thất thu; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản…
Về phía ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan tích cực đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền, chính sách thuế, quản lý thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023. Chỉ tiêu này được lượng hóa thành 10 nhóm, ngành Hải quan sẽ căn cứ vào đó để đánh giá, xếp loại hoạt động của đơn vị và cá nhân cuối năm 2023.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý thu; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu. Đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; kiên quyết cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật đối với trường hợp chây ỳ, từ đó giảm nợ đọng thuế và không để phát sinh nợ mới.
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1-2023 ước đạt 183,7 nghìn tỷ đồng, bằng 11,3% dự toán, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 160,4 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán, tăng 3,1% so cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán, tăng 67,7%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 28 nghìn tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.