(HNM) - Sau sự cố từ chương trình
VTV đã công khai nhận định về lỗi nghiệp vụ xảy ra với người làm "Điều ước thứ 7". Vụ việc cũng đã được mổ xẻ ở nhiều góc độ. Còn với "Chết cười" thì ngay lập tức nhà sản xuất đã trả lời về ngữ cảnh đầy đủ của một số tình tiết bị xem là "phản cảm", đồng thời thông tin rõ hơn về tính chất của phiên bản Việt hóa từ nước ngoài này.
Hình ảnh trong chương trình "Chết cười". Ảnh: Internet |
Không nói chuyện "nhà đài" sai đúng đến đâu, khán giả có lý hay không có lý, mà những phản hồi liên tiếp của công chúng trong thời gian vừa qua thể hiện chuyển biến mới trong mối quan hệ khán giả - truyền hình. Nếu như trước đây, sự phản hồi nếu có đều ở dạng "tảng băng chìm" thì nay, với tính chất tương tác mạnh mẽ, công chúng không chỉ xem mà còn suy nghĩ, phản biện công khai.
Như trên đã nói, khoan bàn chuyện đúng - sai của từng vụ việc, bởi khán giả không phải lúc nào cũng thật sự khách quan và chuẩn xác trong nhận định. Nhưng, quả thực, những phản ứng tức thì của công chúng khiến cho những người chịu trách nhiệm về truyền thông không thể thờ ơ, phải tự đặt mình vào khuôn khổ của sự thật khách quan và trách nhiệm xã hội.
Có một sự thật là truyền hình đang tập trung đổi mới về nội dung và công nghệ nhằm giữ khán giả - vốn đang có nguy cơ bị thu hẹp. Nếu xem đây là một thách thức to lớn của ngành truyền hình trên toàn thế giới thì cùng với đó, việc bảo đảm "sức nặng" của các chương trình và uy tín "nhà đài"- nơi khán giả lâu nay đặt lòng tin, sẽ khiến thách thức nhân đôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.