(HNM)- Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra không ít cơ hội cũng như khó khăn với hoạt động của ngành...
Hiện nay, hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước chủ yếu dựa trên hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay thế bằng các dữ liệu điện tử vừa đa dạng vừa khó nắm bắt. Nếu không am hiểu, các kiểm toán viên nhà nước sẽ không thể thực hiện nghiệp vụ.
Kết quả cuộc điều tra do Đại học Oxford (Anh) mới được công bố cho thấy, 97,6% công việc của kế toán sẽ bị tin học hóa trong tương lai gần và 95,3% công việc của kiểm toán viên sẽ bị tự động hóa thay thế. Trước những thách thức này, Kiểm toán Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu phù hợp, đáp ứng yêu cầu lưu trữ và xử lý thông tin, dữ liệu nhanh chóng và thuận lợi; thiết lập các kênh kết nối truy cập thông tin liên thông giữa bộ, ngành, các ngân hàng, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng vốn, tài sản nhà nước để cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu, từ đó rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị.
Thời gian được rút ngắn sẽ giúp cho Kiểm toán Nhà nước có thể tăng số lượng đơn vị được kiểm toán hằng năm và hướng tới kiểm toán thường niên đối với đơn vị sử dụng và quản lý tài chính, tài sản công. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước sẽ phải đầu tư, nâng cấp trung tâm dự phòng dữ liệu, nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao để đối phó với những tác động xấu từ bên ngoài, đồng thời đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ngày càng khắt khe về tuân thủ bảo mật thông tin.
Tiến sĩ Lê Đình Thăng, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, mỗi kiểm toán viên nhà nước cần tìm hiểu, nắm bắt những đặc điểm, bản chất và ứng dụng nhanh những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tranh thủ sự phát triển của internet để tiếp cận với các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực kiểm toán. Bởi trong thời đại ngày nay, công nghệ phát triển nhanh, mạnh, không có chỗ cho sự do dự, chần chừ. Việc tích cực học tập, chiếm lĩnh tri thức là “chìa khóa” để kiểm toán viên nhà nước mở cửa, tiếp cận và nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, nâng cao trình độ ngoại ngữ và kiến thức về công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhận xét về những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với kiểm toán viên nhà nước, Thạc sĩ Nguyễn Mai Chi, Trưởng ban Đối ngoại, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc tại Việt Nam (ACCA Việt Nam) cho rằng, có hai thách thức lớn. Thứ nhất, họ phải hiểu rõ các động lực thay đổi chính định hình tương lai của kế toán nhà nước; thứ hai, họ cần đưa ra các hỗ trợ và các quyết định có tầm ảnh hưởng tài chính nhằm bảo đảm ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Mai Chi, bên cạnh một số vị trí công việc sẽ biến mất do áp dụng công nghệ số hóa, các chuẩn mực kiểm toán trong nước sẽ phải chuyển đổi, hội nhập trong môi trường kinh tế toàn cầu với khả năng kết nối cao. Vì vậy, để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới này, các kiểm toán viên cần nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn và liên tục cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng; tích cực hợp tác với chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để nâng cao trình độ nghiệp vụ, nắm bắt thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.