(HNM) - Quyết tâm
Bất chấp sự phản đối quyết liệt của hai phái trong nội bộ đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền (DPJ) do cựu Chủ tịch Ichiro Ozawa và cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama đứng đầu, dự luật gây nhiều tranh cãi này được thông qua với đa số phiếu áp đảo do nhận được sự ủng hộ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới (NKT) đối lập.
Dự luật tăng thuế tiêu dùng được kỳ vọng giúp nền kinh tế Nhật Bản
giảm gánh nặng nợ công.
Dù không quá bất ngờ nhưng thắng lợi quan trọng trên đã cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của Thủ tướng Y.Noda suốt ba tháng qua kể từ khi dự luật được nội các đệ trình lên Hạ viện. Với 363 phiếu ủng hộ và 96 phiếu chống, Hạ viện Nhật Bản đã nhất trí với Chính phủ về kế hoạch tăng thuế tiêu dùng từ 5% hiện nay lên 8% vào tháng 4-2014 và lên 10% kể từ tháng 10-2015. Kế hoạch tăng gấp đôi thuế tiêu dùng lên 10% trong vòng 3 năm tới được giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận như bước đi cần thiết nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này kiềm chế gánh nặng nợ công đang ở mức gấp đôi so với quy mô của nền kinh tế 5.000 tỷ USD.
Một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của dự thảo luật khi nhấn mạnh mọi người đều nhận được phúc lợi xã hội đầy đủ là mục đích chính của cải cách lần này, Thủ tướng Y.Noda muốn người dân Nhật Bản nhìn thẳng vào thực trạng nền kinh tế đất nước để tránh lún sâu vào cảnh nợ nần. Kêu gọi người dân chia sẻ với quyết định không mấy dễ dàng này của Chính phủ, Thủ tướng Y.Noda cho rằng việc bảo đảm nguồn tài chính cho phúc lợi xã hội cũng như lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn và đây là điều mà dự luật hướng đến như một cứu tinh duy nhất cho nền kinh tế.
Dù Thủ tướng Y.Noda đã phải đặt cược cả sinh mệnh chính trị để dự luật được thông qua, nhưng đây lại là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ DPJ khi cựu Chủ tịch Ichiro Ozawa nhiều khả năng sẽ cùng những người ủng hộ ly khai khỏi DPJ để thành lập chính đảng mới. Trong bối cảnh LDP yêu cầu Thủ tướng Y.Noda giải tán Hạ viện để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, Tổng Thư ký DPJ Azuma Koshiishi không muốn trừng phạt nghiêm khắc các nghị sĩ DPJ "tạo phản" để tránh ép họ từ bỏ đảng này theo ông Ozawa thành lập chính đảng mới. Tuy nhiên, nếu có từ 54 hạ nghị sĩ trở lên từ bỏ DPJ, đảng này sẽ trở thành đảng cầm quyền thiểu số và Chính phủ Nhật Bản khi đó sẽ đứng trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, nếu một nghị quyết như vậy được đưa ra. Trong tình cảnh không mong muốn này, quyết định thông qua dự thảo luật trên được xem là cột mốc đánh dấu những biến động lớn trên chính trường Nhật Bản thời gian tới.
Dẫu biết rằng kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lên 10% trong vòng 3 năm tới chưa phải là liều thuốc hữu hiệu cho tình trạng "sức khỏe" nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc - trong khi phải chờ đợi Thượng viện thông qua - nhưng có lẽ Thủ tướng Y.Noda không còn lựa chọn nào khác khả thi hơn. Song điều khiến dư luận Nhật Bản lo ngại hơn vẫn là khả năng cựu Chủ tịch Ichiro Ozawa cùng những người ủng hộ ly khai khỏi DPJ. Nếu mối lo ngại này thành hiện thực, Thủ tướng Y.Noda sẽ buộc phải kêu gọi bầu cử sớm trước khi nhiệm kỳ của Quốc hội sẽ kết thúc vào mùa hè 2013.
Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, DPJ cầm quyền của Thủ tướng Y.Noda sẽ chịu tổn thất nặng nề nếu Nhật Bản phải tổ chức bầu cử sớm, trong khi LDP đối lập cũng không chắc giành được đa số phiếu ủng hộ. Kết cục bất phân thắng bại này được dự báo sẽ đẩy đất nước Mặt trời mọc rơi vào trạng thái bất ổn và tê liệt chính trị. Như vậy, dù mọi việc có diễn tiến theo hướng nào đi nữa, uy tín của DPJ cầm quyền cũng phần nào bị ảnh hưởng và đây sẽ là thách thức lớn với nội các của Thủ tướng Y.Noda trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.