Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức an ninh toàn cầu

Mai Chi| 30/06/2017 06:17

(HNM) - Những năm gần đây, ngoài nguy cơ về biến đổi khí hậu, hoạt động khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, thế giới còn phải đương đầu với hiểm họa ngày một gia tăng từ các cuộc tấn công an ninh mạng.

Mới đây nhất, làn sóng tấn công an ninh mạng toàn cầu do mã độc Petya gây ra đã ảnh hưởng tới ít nhất 65 quốc gia trên thế giới và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Tính riêng tại Ukraine, đã có 12.500 máy tính bị ảnh hưởng, chiếm tới 60% hệ thống bị nhiễm virus. Nga, Ba Lan, Italia, Đức và Mỹ cũng nằm trong danh sách quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, hậu quả từ mã độc WannaCry lây lan tới hơn 300.000 máy tính tại 150 quốc gia một tháng trước vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Các máy tính trong một cửa hàng tại thủ đô Kiev (Ukraine) nhận được yêu cầu trả 300 USD chuộc dữ liệu bằng tiền ảo Bitcoin.


Tấn công mạng ngày càng trở nên phổ biến và là một “thị trường” đầy tiềm năng của tin tặc. Trong năm 2016, thế giới ghi nhận 600 triệu vụ tấn công mạng dưới nhiều hình thức. Các chuyên gia ước tính, nền kinh tế thế giới chịu thiệt hại khoảng 400 - 600 tỷ USD mỗi năm do hoạt động của tội phạm mạng, tương đương 1% thu nhập toàn cầu. Trong đó, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề nhất - lên tới 0,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ở các nước khác, mức độ thiệt hại thường chiếm khoảng 0,2% GDP. Tổn thất từ các hoạt động tội phạm “ảo” thậm chí đã vượt qua nhiều hình thức phạm pháp phổ biến và “siêu lợi nhuận” khác, như buôn bán ma túy chẳng hạn...

Các vụ tấn công mạng thường được thực hiện để đánh cắp dữ liệu có giá trị về sở hữu trí tuệ, thu thập thông tin cá nhân của người dùng hoặc đánh cắp bí mật kinh doanh để đạt được lợi thế trong đàm phán hay giao dịch. Ngoài ra, tin tặc thường yêu cầu nạn nhân trả một khoản tiền chuộc nhất định bằng Bitcoin - loại tiền ảo cho phép chủ sở hữu che giấu thông tin cá nhân và tránh bị nhận dạng. Tuy nhiên, giới phân tích đang hoài nghi rằng mục đích chính của tin tặc trong những đợt tấn công gần đây không phải là kiếm tiền. Bởi lẽ, mới chỉ có 45 trường hợp bị mã độc Petya tấn công xác nhận đã trả tiền chuộc dữ liệu với tổng số tiền khoảng 10.000 USD. Đây là con số khá ít ỏi so với nỗ lực gây ra một cơn địa chấn toàn cầu. Thay vào đó, loại mã độc này có thể được lập trình để gây ra sự gián đoạn trên quy mô lớn, nhằm vào việc làm tê liệt hệ thống dữ liệu và gieo rắc sự hỗn loạn.

Các vụ tấn công trở nên đặc biệt nguy hiểm khi nạn nhân là các cơ quan, tổ chức trọng yếu như quân đội, bệnh viện, sân bay, cầu cảng... Sau khi hệ thống máy chủ tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) nhiễm mã độc Petya, công nhân đã buộc phải vận hành máy móc bằng tay. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon ngày 27-6 tuyên bố, nước này sẽ cân nhắc trả đũa bằng các biện pháp quân sự đối với các cuộc tấn công mạng do quốc gia khác gây ra. Tuyên bố đó phản ánh nguy cơ quân sự hóa không gian mạng từ các đợt tấn công như WannaCry hay Petya.

Với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ và sự phổ biến của internet, những đợt tấn công tương tự chắc chắn sẽ tiếp diễn với hình thức ngày một đa dạng và tinh vi hơn khi các hệ thống bảo mật truyền thống dần mất đi tính hiệu quả. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28-6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố, các cuộc tấn công mạng vừa qua một lần nữa nhắc nhở toàn thế giới về tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống phòng thủ mạng. NATO cũng xác định mục tiêu này có ý nghĩa quan trọng ngang tầm với các hoạt động phòng thủ trên mặt đất, trên không và trên biển.

Chính phủ các nước vẫn đang tìm kiếm một giải pháp bền vững, song nỗ lực này cần được hiện thực hóa bằng các cam kết quốc tế nhằm xây dựng lòng tin và đề ra biện pháp phối hợp trước một nguy cơ an ninh phi truyền thống như an ninh mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức an ninh toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.