(HNM) - Để sử dụng có hiệu quả đất lâm nghiệp, năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã thu hồi gần 300ha rừng và đất rừng dưới ranh giới cốt 100 của Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì để giao cho UBND huyện Ba Vì quản lý. Thế nhưng, hơn 6 năm trôi qua, huyện Ba Vì vẫn chưa làm thủ tục cho thuê được mét đất nào, làm lãng phí một nguồn tài nguyên lớn, gây bức xúc cho nhân dân…
Tranh chấp đất đai
Năm 1992, VQG Ba Vì ký hợp đồng giao khoán bảo vệ đất và rừng khu phục hồi sinh thái VQG cho ông Nguyễn Văn Sảo, ở thôn Quýt, xã Yên Bài (Ba Vì), với tổng diện tích là 63,52ha. Sau khi ông Sảo qua đời, ông Nguyễn Văn Sáu (con trai ông Sảo) tiếp quản hợp đồng giao khoán. Do hoàn cảnh neo đơn, thiếu vốn đầu tư, không đủ sức quản lý, năm 2007, gia đình ông Sáu đã chuyển nhượng lại hợp đồng cho ông Bùi Đào Khải, ở thị trấn Tây Đằng (Ba Vì), có xác nhận của chính quyền xã Yên Bài.
Đến tháng 6-2008, VQG Ba Vì đã thanh lý hợp đồng với ông Sáu; đồng thời thiết lập hồ sơ giao khoán bảo vệ đất và rừng cho ông Khải với diện tích 48,1ha đất trên cốt 100. Số diện tích còn lại (15,42ha) dưới cốt 100 theo như hợp đồng với gia đình ông Sáu, VQG Ba Vì không giao khoán, bởi ngày 28-3-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có Quyết định số 539/QĐ-UBND, thu hồi 297,5ha dưới đường ranh giới cốt 100 của VQG Ba Vì giao cho UBND huyện Ba Vì quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Đất đai. Ngày 12-8-2009, Giám đốc VQG Ba Vì Đỗ Khắc Thành có xác nhận vào đơn đề nghị của ông Khải, với nội dung: “Trong khi chờ đợi hoàn thành thủ tục bàn giao đất dưới cốt 100 cho huyện quản lý, VQG đồng ý tiếp tục giao cho chủ hộ nhận khoán Bùi Đào Khải quản lý, bảo vệ 15,42ha dưới cốt 100”.
Lợi dụng lúc giao thời, một số người dân thôn Quýt, xã Yên Bài đã ngang nhiên chặt phá cây, chiếm đất trái phép trên diện tích 15,42ha với lý do đó là đất ông cha để lại, hay đất do UBND xã, HTX giao đất trồng rừng và là đất do người dân khai phá từ những năm 1980. Trước sự xâm hại trên, ông Bùi Đào Khải bức xúc: Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp, ngành có thẩm quyền đề nghị giải quyết, nhưng không thấy hồi âm, khiến gia đình thiệt hại lớn về kinh tế nên không thực hiện được dự án thiết kế trồng rừng mà VQG Ba Vì đã phê duyệt.
Lãng phí hàng trăm hécta đất lâm nghiệp
Theo Quyết định 539 ngày 28-3-2007, UBND tỉnh Hà Tây thu hồi 297,5ha dưới đường ranh giới cốt 100 của VQG Ba Vì giao cho huyện Ba Vì quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; trong đó, tại xã Yên Bài là 135,6ha, Vân Hòa 75,6ha, Khánh Thượng 49,4ha, Minh Quang 20,2ha, Ba Vì 8,9ha và xã Ba Trại 7,8ha. Quyết định 539 cũng phân loại rõ diện tích cụ thể của từng loại đất: 233,1ha đất trồng rừng, 33,7ha đất trống và 30,7ha đất rừng tái sinh để giao về cho các địa phương. Trong Điều 2 của Quyết định 539 ghi rõ: Giao Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) chủ trì phối hợp với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo thực hiện việc bàn giao cụ thể các mốc giới, diện tích đất thu hồi trên thực địa và chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định của Luật Đất đai. Thế nhưng, theo biên bản bàn giao rừng và đất lâm nghiệp dưới cốt 100 giữa UBND huyện Ba Vì, VQG Ba Vì và các xã, VQG Ba Vì bàn giao cho địa phương toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi điều chỉnh của QĐ 539 và theo bản đồ sử dụng đất của VQG Ba Vì năm 2005 đã được Sở TN-MT, UBND huyện Ba Vì và các xã ký xác nhận. Thực chất, việc bàn giao này mới chỉ dừng lại trên giấy tờ, chưa diễn ra trên thực địa.
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Lê Đình Minh, Phó Trưởng phòng TN-MT, Giám đốc Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Ba Vì cho rằng, về nguyên tắc, VQG Ba Vì đã bàn giao cho địa phương quản lý, bảo vệ, sử dụng toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi điều chỉnh của Quyết định 539. Đến nay, huyện đã nhận và bàn giao nguyên trạng cho xã Ba Vì trực tiếp quản lý 8,9ha, Ba Trại 7,8ha, Khánh Thượng 49,4ha, Yên Bài 135,6ha, Minh Quang 9,7ha. Riêng 75,6ha rừng và đất rừng tại xã Vân Hòa chưa bàn giao được, bởi chính quyền địa phương không đồng ý với việc VQG giữ lại 30ha. Đối với số diện tích còn thiếu của xã Minh Quang là do không xác định được diện tích đó nằm ở vị trí nào. Theo ông Minh, việc thực hiện theo Quyết định 539 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong biên bản bàn giao giữa các bên có ghi rõ: "VQG Ba Vì có trách nhiệm thanh lý hợp đồng với các hộ đang nhận khoán bảo vệ rừng với VQG; đồng thời cung cấp hồ sơ khoán bảo vệ rừng và hồ sơ thanh lý hợp đồng nhận khoán của các hộ có liên quan cho UBND các xã lưu trữ", nhưng đến nay các xã vẫn chưa nhận được hồ sơ. Nhiều hợp đồng giữa các hộ dân và VQG Ba Vì vẫn chưa được thanh lý. Điển hình là xã Ba Trại đã nhận nguyên trạng bàn giao, song VQG Ba Vì vẫn chưa thanh lý được hợp đồng với các hộ dân; hiện các hộ nhận khoán vẫn đang quản lý, sử dụng đất. Đặc biệt, ranh giới một số diện tích bị chồng lấn, nhiều chỗ không còn mốc giới. Việc quản lý, sử dụng đất đai trước đây khá lỏng lẻo, lộn xộn; tình trạng cho thuê, chuyển nhượng hợp đồng bất hợp pháp giữa các hộ nhận khoán với dân, tranh chấp không được xử lý kịp thời. Nhiều diện tích đất giao khoán cho các hộ biến thành trang trại, nhà vườn, nhà nghỉ…".
Về hướng giải quyết, ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng TN-MT huyện Ba Vì cho biết: Chủ trương của huyện là cho thuê rừng và đất rừng từ cốt 100 trở xuống và tất cả các hộ đã nhận khoán với VQG Ba Vì sẽ được ưu tiên cho thuê lại. Tuy nhiên, do sự buông lỏng quản lý của VQG Ba Vì trước đây và của chính quyền địa phương về sau, dẫn đến tình trạng sử dụng sai mục đích, lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì khó giải quyết, diễn biến ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, đã hơn 6 năm trôi qua, kể từ ngày Quyết định 539 có hiệu lực, huyện Ba Vì vẫn chưa có đất sạch, làm lãng phí gần 300ha rừng và đất rừng, gây bức xúc trong nhân dân. Rất mong lãnh đạo và các sở, ngành chức năng của TP Hà Nội sớm vào cuộc chỉ đạo huyện Ba Vì thực hiện dứt điểm Quyết định 539, sử dụng đất có hiệu quả, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.