(HNM) - Trở thành nét đẹp truyền thống, sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm nay, cán bộ và các tầng lớp nhân dân Hà Nội lại nô nức tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.
Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây
- Xin ông cho biết, hoạt động Tết trồng cây năm nay trên địa bàn thành phố diễn ra như thế nào?
- Phải khẳng định rằng, phong trào Tết trồng cây của Hà Nội nhiều năm qua luôn năm sau tốt hơn năm trước, đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường. “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố. Đáng nói, công tác xã hội hóa trồng cây xanh có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng.
Năm nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã chủ động mua cây xanh và tổ chức thực hiện Tết trồng cây theo phương châm không phô trương hình thức, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, trồng cây nào sống cây ấy. Trồng đi đôi với chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Ngay từ khi xây dựng kế hoạch Tết trồng cây, nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn các loại vật liệu để che chắn, bảo vệ cây xanh sau khi trồng. Đối với các cây xanh to, nhiều nơi đã sử dụng những ống bằng sắt để chằng, cột, bảo đảm cây không bị đổ, gãy trong mùa mưa bão. Hoặc sau khi trồng cây đã giao cho các hội đoàn thể, người dân trồng hoa, cây cảnh xen kẽ, vừa tạo cảnh quan, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ.
- Thực hiện Tết trồng cây, Hà Nội đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?
- Sau mỗi mùa trồng cây, trên các tuyến phố, con đường từ nông thôn đến thành thị đã khoác lên mình tấm áo mới, xanh - sạch - đẹp hơn; đồng thời cũng có thêm nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả, giá trị kinh tế cao, mang đến no ấm, phồn thịnh cho nông dân khu vực ngoại thành. Mục tiêu phát triển của Hà Nội là xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại, xây dựng môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao.
Với tinh thần đó, trong nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, thành phố xác định việc trồng mới 1 triệu cây xanh là nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, thành phố đã hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên nhiều tuyến đường phố, sớm hơn so với kế hoạch đề ra. Đáng nói, năm 2018, toàn thành phố đã trồng mới được 400.000 cây xanh, trong đó: 120.000 cây bóng mát, 280.000 cây ăn quả, đạt 140% kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch, năm 2019, toàn thành phố phấn đấu trồng mới khoảng 400.000 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ ven các tuyến đường giao thông đô thị; trồng mới 70ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý bảo vệ tốt 6.483ha rừng. Trong đó, dịp đầu Xuân Kỷ Hợi trồng mới khoảng 150.000 cây xanh các loại.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát động trồng mới khoảng 50.000 cây xanh các loại. Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tôi tin chắc năm 2019 tiếp tục là năm trồng cây, gây rừng đạt hiệu quả cao trên địa bàn thành phố cả về chất lượng và số lượng.
- Vậy Hà Nội lựa chọn những chủng loại cây trồng nào trong năm nay, thưa ông?
- Nhiều chủng loại cây mới được đưa vào trồng ở Hà Nội sẽ tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị như: Sấu, sao đen, muồng, phượng vĩ, bằng lăng, long não, bàng lá nhỏ... trên các tuyến phố; tùy vào vị trí vỉa hè, lòng đường để chọn trồng cây xanh có tán bảo đảm phù hợp mỹ quan đô thị. Nhiều công sở, trường học, khuôn viên xí nghiệp, xưởng sản xuất… đã trồng mới cây long não có tinh dầu và có tác dụng kháng khuẩn, thanh lọc không khí, rất tốt cho sức khỏe con người.
Tại các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, trong lộ trình phấn đấu trở thành quận đã trồng nhiều cây xanh to, đẹp, đồng đều về kiểu dáng, chủng loại, kích cỡ ở trên các tuyến đường trung tâm. Còn tại các khu đô thị mới đã trồng cây xanh với mật độ phù hợp, tương đương các khu đô thị kiểu mẫu trong khu vực và thế giới.
Tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất… cũng xây dựng kế hoạch Tết trồng cây rất bài bản, chu đáo. Không chỉ trồng mới cây bóng mát, dưới tán cây, người dân đã trồng các loại hoa theo mùa như: Mười giờ, cúc… có độ bền cao, không cầu kỳ trong chăm bón nhưng lại tô đẹp cho làng xóm.
Còn đối với cây ăn quả, các huyện, thị xã khu vực ngoại thành đẩy mạnh trồng bưởi, nhãn chín muộn, chuối, cam, táo… theo đề án phát triển cây ăn quả đã được thành phố phê duyệt. Từ nay đến năm 2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp hỗ trợ các địa phương chuyển hơn 1.800ha đất trồng lúa gặp khó khăn về nguồn nước, thủy lợi… sang trồng cây ăn quả đặc sản, giá trị kinh tế cao. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, dự kiến các địa phương sẽ trồng mới từ 600 đến 800ha cây ăn quả các loại. Ngoài ra, các huyện có nhiều diện tích đồi gò như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai đang tập trung phát triển trồng cây dược liệu...
Để phong trào trồng cây tiếp tục lan tỏa
- Theo ông, ngoài làm tốt việc trồng cây mỗi độ Tết đến xuân về, thành phố đã thực hiện tốt việc trồng cây gây rừng?
- Đúng vậy, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, phong trào trồng cây, trồng rừng, gây rừng và bảo vệ rừng trong những năm qua tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên địa bàn thành phố và đã đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trồng rừng đang được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần bổ sung, làm giàu các diện tích rừng hiện nay trên địa bàn thành phố, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Vì vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 17/KH-SNN, triển khai phát động phong trào thi đua đặc biệt “Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020”.
Theo đó, phong trào thi đua được triển khai trên phạm vi toàn thành phố, các tập thể, cá nhân đều có thể tham gia thực hiện trồng rừng. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, độ che phủ rừng đạt 6,2%; bảo đảm diện tích hệ sinh thái rừng được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ... Trong giai đoạn này, toàn thành phố sẽ trồng mới 400ha và khoanh nuôi tái sinh rừng 3.421ha/năm...
- Để lan tỏa phong trào trồng cây xanh, thành phố đã có những giải pháp gì, thưa ông?
- Tết trồng cây vẫn còn mãi giá trị và đã đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân Hà Nội. Đó là nếp sống văn hóa đầy tính nhân văn cũng như rất có lợi ích về kinh tế, môi trường. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng tổ chức, cá nhân tham gia theo kiểu đối phó, trồng và chăm sóc cây xanh chưa tốt. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây xanh đóng vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy, trồng cây phải gắn với trách nhiệm quản lý, bảo vệ của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để bảo đảm tỷ lệ cây sống cao là việc làm cần thiết; đồng thời tập trung chăm sóc số cây đã trồng từ những năm trước để cây trồng sinh trưởng tốt...
Ngoài ra, cần tuyên dương kịp thời cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và người dân trồng, chăm sóc cây xanh tốt, qua đó phổ biến, nhân rộng hình mẫu để nhiều địa phương khác học tập kinh nghiệm. Cùng với đó, làm tốt công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.