Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tên gián điệp xuất thân FBI

Quang Huy| 07/08/2016 07:08

(HNM) - Nhà chức trách Mỹ vừa thông báo việc bắt giữ Kun Shan Chun, còn được biết đến với cái tên Joey Chun, một nhân viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), với tội danh làm gián điệp cho Trung Quốc.


Kỹ thuật viên FBI Kun Shan Chun. Ảnh: New York Daily News


Sinh năm 1969 tại Quảng Đông (Trung Quốc), Chun di cư đến Mỹ năm 1980 và có Quốc tịch Mỹ năm 1985. Người đàn ông gốc Hoa này bắt đầu làm việc cho FBI từ năm 1997 tại Văn phòng FBI, ở New York. Chun bị bắt hồi tháng 3 nhưng sự việc vừa mới được công khai. Trong phiên trình diện trước Tòa án Liên bang ở Manhattan (New York, Mỹ), nhân viên kỹ thuật FBI này thừa nhận làm việc bí mật cho Trung Quốc và đã vài lần chuyển thông tin nhạy cảm cho nước này. Quá trình trở thành gián điệp của Chun bắt đầu năm 2011, trong chuyến đi tới Châu Âu. Tại đây, nhân viên FBI này khai đã gặp một quan chức Trung Quốc, người yêu cầu ông ta cung cấp “thông tin nhạy cảm, không công bố của FBI”. Sau cuộc gặp đó, Chun đã ngay lập tức đưa các thông tin về danh tính và lịch trình công tác của một đặc vụ FBI cho nhân vật chưa rõ danh tính này. Đến năm 2013, Chun tiếp tục cung cấp thông tin về cơ cấu, tổ chức nhân sự của FBI chi nhánh New York.

Năm 2015, công dân Mỹ này đã sử dụng điện thoại để gửi những bức ảnh tài liệu chi tiết về công nghệ giám sát của FBI trong khu vực hạn chế cho phía Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ phát hiện ra rằng, ít nhất từ năm 2006, Chun đã nói dối FBI về những quan hệ bất hợp pháp với một công ty công nghệ được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ có tên Zhuhai Kolion Technology Company Ltd. Chun đã bị các cá nhân trong Công ty Kolion yêu cầu thực hiện một số công việc nghiên cứu và tham vấn. Đổi lại, tên này sẽ được nhận một số thứ, chẳng hạn cho người thân ở Mỹ mở chi nhánh cho Công ty Kolion ở nước ngoài.

Trong lời khai trước FBI, Chun đã thừa nhận hành vi và cho biết đã bị cha mẹ tạo áp lực phải làm việc cho phía Trung Quốc vì họ có các khoản đầu tư cho Kolion. Bản thân Chun cũng được “trả công” bằng việc được ở tại những khách sạn đắt tiền và gái mại dâm phục vụ khi tới Trung Quốc, bên cạnh một số khoản tài chính để chu cấp cho cha mẹ. Vụ việc chỉ bị vỡ lở sau khi FBI nghi ngờ và cử một đặc vụ theo dõi Chun. Cuộc đối thoại giữa hắn với đặc vụ FBI này đã bị ghi hình lại làm bằng chứng. Hiện Chun được bảo lãnh tại ngoại và dự kiến sẽ bị tuyên án vào ngày 2-12. Với tội danh làm gián điệp cho một chính phủ nước ngoài, Chun có thể sẽ phải nhận án tù đến 10 năm. Tuy nhiên, do thành khẩn nhận tội nên án có thể giảm xuống còn 21-27 tháng.

Hậu quả của vụ việc này chưa được xác định. Trong một bài viết đăng tải trên tờ Observer Politics, chuyên gia về an ninh John Schindler, cựu giới chức của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho rằng, mức độ ảnh hưởng từ những thông tin mà Chun cung cấp cho phía Trung Quốc chưa rõ ràng. Nhưng với vị trí mà nhân vật này từng đảm nhận, bao gồm cả việc có cơ hội tiếp cận các tài liệu mật trong thời gian công tác lâu dài ở FBI, tác động có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu phản gián Mỹ (CI), có đến 160 gián điệp Trung Quốc bị phát hiện ở Mỹ từ năm 1985 đến năm 2016. Con số này chắc chắn chưa dừng lại và được xem là lời cảnh báo đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, việc đối phó với loại tội phạm này lại không hề dễ dàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tên gián điệp xuất thân FBI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.