Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tây Nguyên khô khát

Tiến Thành| 23/03/2016 06:44

(HNM) - Trong khi vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang khốn đốn vì hạn hán, xâm nhập mặn thì các tỉnh Gia Lai, Kon Tum - vùng trồng cây công nghiệp lớn nhất cả nước cũng đang trải qua một đợt hạn hán lịch sử khiến hàng nghìn héc ta cây trồng mất trắng, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Nguy cơ một năm mất mùa đang hiển hiện trước mắt người dân Tây Nguyên.

Hàng chục nghìn héc ta cây trồng tại Tây Nguyên đang có nguy cơ mất trắng vì hạn hán kéo dài.


Công sức, tiền bạc "bốc hơi"

Theo chân chị Blep, chúng tôi băng qua một ngọn đồi trồng lúa nước đã chết khô thành rơm mới đến được nơi trồng hồ tiêu của đồng bào Gia Rai ở thôn Tao Klah (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai). Nhiều tháng liền không có một giọt mưa khiến đất dưới chân chúng tôi bỏng rẫy, cây dại và cỏ cũng chết khô trong đất nóng. Bế con đứng nhìn rẫy hồ tiêu chỉ còn trơ trụ gỗ, chị Blep không khỏi rớt nước mắt.

Rẫy hồ tiêu gần 1.000 cây được gia đình chị đầu tư 150 triệu dựng trụ, mua giống cây, chưa kể công chăm sóc, giờ đã chết khô đến quá nửa. Chị Blep cho biết, đợt hạn hán bắt đầu từ cuối năm 2015 đến nay hầu như không có mưa, sông suối, giếng khoan cũng cạn dần nên không có nước để tưới cho hồ tiêu.

Ở rẫy bên cạnh, anh Trần Công Minh (quê Định Quán, Đồng Nai) đang lúi húi kéo dây dẫn nước chữa hạn cho rẫy hồ tiêu tại xã Ia Rong, khẳng định: Chưa năm nào hạn hán nặng nề như năm nay. Vườn hồ tiêu hơn 800 gốc của gia đình anh Minh giờ chỉ còn lại phân nửa. Bởi để chống hạn, anh Minh đã đào giếng và may mắn có nước. Tuy nhiên, lượng nước cũng chỉ đủ để một ngày tưới cho 150 cây là cạn, lại phải ngưng tưới để chờ giếng "hồi" lại. "Với những trụ cây đã chết khô, tôi đang dựng lại cột, trồng bên cạnh một cây tươi như cây keo, cây cẩm lai để làm trụ cho cây giống mới", vì như theo anh Minh, "tưới thế chứ tưới nữa thì vụ này cũng coi như mất".

Tạm xa Chư Pưh, chúng tôi ngược lên phía Bắc gần 150km đến huyện Đắk Hà, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của tỉnh Kon Tum. Nơi đây cũng đang phải gồng mình cứu hàng nghìn héc ta cà phê, cây công nghiệp cho thu nhập chính của người dân Đắk Hà. Dưới cái nắng gần 40 độ C, bà Nguyễn Thị Nữ (công nhân Nông trường Cà phê 734) vẫn đang miệt mài xới cỏ dưới gốc cà phê. Bà Nữ và một số công nhân khác của nông trường được giao nhiệm vụ chăm sóc hơn 3.000 gốc cà phê của nông trường. Thời gian gần đây, không chỉ riêng khu vực của bà Nữ, dù gắng sức cứu hạn nhưng Nông trường 734 vẫn thiệt hại 50% gốc cà phê không có thu hoạch. Theo bà Nữ, mọi năm có mưa thì chỉ cần tưới nước 2 đợt là cây cho hạt, năm nay không có mưa nên phải tưới đến lần thứ 3 mà không ăn thua.

Chúng tôi gặp anh Phan Đình Diện (Thôn 5, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà) đang loay hoay sửa máy nổ giữa đường, xung quanh là hàng chục mét ống nước cỡ lớn để hút nước hồ Đắk Uy tưới rẫy cà phê. Bẻ một cành cà phê trong vườn, anh Diện chua xót bảo: "Thiếu nước, mầm hạt cà phê chuyển sang màu đen, lá ngả màu vàng úa. Kiểu này mất trắng".

Khu vực hồ Đắk Uy, ở xã Đắk Mar, mức nước đã xuống kỷ lục. Lượng nước còn lại gần nhà anh Diện cũng chỉ đủ tưới lần 3, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì hồ khô cạn, không đủ nước cung cấp cho cà phê.

Trắng đêm lấy nước

Vừa ngủ dậy, chỉ kịp dụi mắt, anh Nguyễn Trọng Hùng (xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, Kon Tum) đã chạy vội đến mương dẫn nước đầu rẫy. Nhìn trước ngó sau, anh chưng hửng quay về. Nhà cách rẫy tầm 3km, sợ nước từ hệ thống thủy lợi về không kịp bơm nên anh Hùng dựng một lán tạm bằng bạt ni lông, mang chăn gối và những vật dụng cần thiết, cùng máy bơm đến rẫy nằm chờ nước. Ba ngày qua, Hùng được vợ con mang cơm nước đến phục vụ tại chỗ. Đêm đốt lửa làm ánh sáng, cứ chốc chốc lại đi "tuần", vừa để trông máy bơm, vừa để chờ nước. Anh Hùng cho biết, đợt tưới nước thứ 3 này, hơn 800 gốc cà phê của gia đình anh mới chỉ tưới được một nửa, phần còn lại hiện đã chậm tưới 4-5 ngày.

May mắn hơn anh Hùng, bà H'siu Ler (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai) lại thuê được người tưới nước cho vườn hồ tiêu. May bởi cách vườn nhà bà không xa có hộ gia đình đào được giếng trúng mạch nước. Gia đình này tổ chức tưới thuê cho các rẫy lân cận với giá 500 nghìn đồng/rẫy.

Đối với người dân tại vùng khô hạn, chuyện đào giếng trúng mạch nước chẳng khác gì trúng số độc đắc. Tỷ lệ người gặp may mắn ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Siu Jen (thôn Plei DjRiếk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) khẳng định, từ xưa đến nay chưa từng thấy đợt hạn hán nào nghiêm trọng như đợt này. Ruộng lúa của ông đã cháy hết, rẫy hồ tiêu hiện cũng dần khô héo. Cực chẳng đã, ông Siu Jen phải bỏ tiền ra thuê người đào giếng với giá 250 nghìn đồng/mét khoan để cứu phần còn lại. Ngậm ngùi bỏ ra 20 triệu đồng đào giếng sâu tới 80m vẫn chỉ thấy đá. Ngán ngẩm, người đàn ông Gia Rai da đen nhẻm vì cháy nắng này định bụng sử dụng phương pháp nổ mìn phá đá. Suy đi ngẫm lại, ông Siu Jen lại thôi vì vừa nguy hiểm vừa bởi tầng đá quá dày. Bất lực, gia đình ông Siu Jen tổ chức hái hồ tiêu non dù chưa đến kỳ thu hoạch.

Không chỉ tác động đến cây công nghiệp, hạn hán còn khiến lúa nước bị mất trắng ở nhiều nơi. Hạn hán cũng khiến 3.927 giếng nước tại Kon Tum bị khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến khoảng 7.500 hộ dân. Tại Gia Lai, đến nay có hơn 5.000 hộ dân ở 7 huyện và 28 xã trong tỉnh lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Tình hình hạn hán kéo dài ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã lên tới cấp độ 1. Thời tiết được dự báo vẫn tiếp tục nắng nóng; nguồn nước từ sông, suối, ao hồ, đập sẽ còn sụt giảm nghiêm trọng. Người dân lâm vào cảnh khốn cùng, bất lực. Không chỉ hằng ngày, hằng giờ cầu cho ông trời mưa xuống để giải tỏa "cơn khát", người dân còn mong đợi những giải pháp chống hạn bền vững.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn năm 2016 do Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với tỉnh Đắk Nông tổ chức ở Đắk Nông ngày 22-3, Bộ NN&PTNT cho biết: Toàn khu vực Tây Nguyên đã có hơn 7.000ha lúa nước phải ngừng sản xuất, hơn 35.000ha cà phê, hồ tiêu… thiếu nước tưới, 17.600 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. 

Trước dự báo tình hình khô hạn còn kéo dài, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đã nêu nhiều giải pháp ứng phó, nhằm giảm tối đa ảnh hưởng của hạn hán đối với sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng thời chú trọng các giải pháp phòng, chống hạn bền vững. Các đại biểu cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để các địa phương kịp thời chống hạn, khôi phục sản xuất nhằm bảo đảm an sinh xã hội.


(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên khô khát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.