Thời gian qua, quận Tây Hồ luôn tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm bằng việc tuyên truyền nâng cao ý thức của chủ hộ kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; đồng thời, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý vi phạm. Đặc biệt, quận đã phát huy hiệu quả các tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm.
Xây dựng thành công 6 tuyến phố an toàn thực phẩm
Theo Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Danh Thụ, trên địa bàn phường có 19 nhà hàng ăn uống đang hoạt động kinh doanh, gần 60 cửa hàng kinh doanh các dịch vụ văn hóa, tâm linh. Các cửa hàng này luôn đông khách, nhất là vào mùa lễ hội đầu năm và các ngày rằm, mùng một hằng tháng. Phường đã thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh xung quanh phủ Tây Hồ, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm. Cùng với đó, phường đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; đồng thời dán số điện thoại, đường dây nóng xung quanh phủ Tây Hồ để tiếp nhận phản ánh tình trạng mất an toàn thực phẩm.
Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung cho biết, trên địa bàn quận hiện có 1.670 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, 97,8% cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; 96% cơ sở đã ký cam kết an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, quận hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng 5 nhà trạm xét nghiệm tại các chợ Nhật Tân, Phú Gia, Tứ Liên, Xuân La, Yên Phụ. Đặc biệt, quận luôn chú trọng xây dựng tuyến phố an toàn thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn quận đã có 6 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, gồm: Tô Ngọc Vân (phường Quảng An), Nhật Chiêu (phường Nhật Tân), Trích Sài (phường Bưởi), Thụy Khuê và Nguyễn Đình Thi (phường Thụy Khuê), Xuân La (phường Xuân La) với 180 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, quận Tây Hồ đã chỉ đạo các đơn vị, 8/8 phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức: Trên Cổng thông tin điện tử, qua hệ thống đài truyền thanh quận và các phường; tuyên truyền trong quá trình kiểm tra, lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp, buổi sinh hoạt chuyên đề tại thôn, tổ dân phố…
Cùng với việc xây dựng các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, đẩy mạnh tuyên truyền, quận còn tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quận kiểm tra được 504 cơ sở, xử phạt 37 cơ sở vi phạm, với số tiền 257,5 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm không bảo đảm vệ sinh…
Tiếp tục tuyên truyền và xử lý vi phạm
Hiện tại, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Tây Hồ vẫn còn một số khó khăn, như: Đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến phường là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí. Một số chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt, thực hiện các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Việc xử lý vi phạm ở tuyến phường đã được tăng cường hơn trước, song chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay những cơ sở thực phẩm không an toàn. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh, vận chuyển gia cầm hoạt động chủ yếu vào ban đêm, lại thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm, gây khó khăn cho việc hướng dẫn, kiểm tra và gây khó cho tổ chức, cá nhân trong việc tự công bố sản phẩm.
Để khắc phục những khó khăn và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, quận tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; nhân rộng các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Cùng với đó, quận yêu cầu các phường tăng cường kiểm tra, giám sát vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Quận cũng kiến nghị các sở, ngành thành phố tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến quận, phường; tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng kiểm tra cho cán bộ tham gia công tác kiểm tra an toàn thực phẩm; bổ sung thêm nhân lực và chế độ đãi ngộ cho công tác an toàn thực phẩm cho tuyến quận và phường; tiếp tục giao cho Ban Chỉ đạo quận tổ chức tập huấn và cấp giấy xác nhận tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
“Các bộ, ngành sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc quản lý của ngành để các tổ chức, cá nhân có cơ sở tự công bố và các cơ quan quản lý có căn cứ pháp lý để kiểm tra, hướng dẫn; đồng thời bổ sung quy định hộ sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ cũng thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.