Điểm nóng

Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy công nhận Nhà nước Palestine: Cổ vũ giải pháp hòa bình

Hoàng Linh 30/05/2024 - 06:23

Với mong muốn thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, cổ vũ cho việc xây dựng khu vực hòa bình và an ninh, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine theo đúng lộ trình đề ra.

Không chỉ nâng cao vị thế quốc tế của Nhà nước Palestine, việc này còn tạo thêm áp lực lên Israel để mở các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh.

palestine.jpg
Tuần hành ủng hộ người dân Palestine tại thủ đô Oslo (Na Uy). Ảnh: Reuters

Tây Ban Nha đã mở đầu chuỗi công nhận Nhà nước Palestine với thông báo từ Ngoại trưởng José Manuel Albares tại cuộc họp báo ở Madrid ngày 28-5 (giờ địa phương).

Phát biểu trước truyền thông, Thủ tướng nước này Pedro Sanchez cho biết, Tây Ban Nha công nhận một Nhà nước Palestine thống nhất, bao gồm lãnh thổ Dải Gaza và khu vực Bờ Tây, nằm dưới sự quản lý của chính quyền dân tộc Palestine với Đông Jerusalem, phần phía Đông của thành phố Jerusalem, là “Thủ đô”. “Một Nhà nước Palestine bên cạnh một Nhà nước Israel chung sống trong hòa bình và an ninh là cách duy nhất để tiến đến điều mà mọi người vẫn công nhận là giải pháp khả thi duy nhất nhằm đạt được một tương lai hòa bình”, nhà lãnh đạo Tây Ban Nha nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cũng tuyên bố, nước này chính thức công nhận tư cách Nhà nước của Palestine, gọi đây là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Na Uy và Palestine.

Về phần mình, Ireland đã ra tuyên bố tương tự, nhấn mạnh hành động chung của ba nước để “giữ cho phép màu mang tên hòa bình được tiếp diễn”. Cùng với việc công nhận chính thức, mỗi nước cũng có những hành động chính trị song song. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ireland thông báo sẽ nâng văn phòng đại diện của nước này tại thành phố Ramallah (thuộc Bờ Tây) thành Đại sứ quán, đồng thời bổ nhiệm một vị đại sứ cũng như nâng phái bộ Palestine ở Dublin lên cấp Đại sứ quán.

Phía Palestine lập tức hoan nghênh quyết định của Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, Israel phản ứng dữ dội, cáo buộc ba nước châu Âu đã “trao thưởng cho chủ nghĩa khủng bố”, đồng thời triệu hồi đại sứ của mình ở Dublin, Madrid và Oslo về nước. Thậm chí, Israel yêu cầu lãnh sự quán Tây Ban Nha ở Jerusalem ngừng cung cấp dịch vụ lãnh sự cho người Palestine từ ngày 1-6. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz cũng triệu tập đại sứ của Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha để giải thích lý do tại sao chính phủ của họ không nên công nhận Palestine.

Mặc dù là hành động mang tính biểu tượng, nhưng việc công nhận của ba nước châu Âu được các nhà phân tích cho rằng sẽ nâng cao vị thế quốc tế của Nhà nước Palestine và gây thêm áp lực lên Israel để mở các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh. Vị thế được công nhận cũng sẽ cho phép Nhà nước Palestine tham gia vào các thỏa thuận song phương với tư cách là một quốc gia độc lập. Sự ủng hộ dành cho Palestine trên đà gia tăng mạnh mẽ cũng cho thấy Israel tiếp tục bị cô lập về ngoại giao vì những hành động quân sự trong cuộc chiến ở Dải Gaza.

Giới quan sát cũng cho rằng, quyết định của ba nước châu Âu phát sinh từ lập trường rõ ràng về cuộc xung đột hiện nay, trong đó lên án các hành vi bạo lực đối với dân thường và hành động chiếm đóng của Israel. Bản thân Na Uy cũng là quốc gia thường duy trì mức hỗ trợ lớn cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA), thường xuyên kêu gọi ngừng bắn sau khi cuộc xung đột mới nhất nổ ra. Việc Oslo công nhận Nhà nước Palestine được đánh giá sẽ củng cố hình ảnh và vị thế ở Nam bán cầu.

Với động thái mới, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy cũng kỳ vọng có thể thúc đẩy các thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác sớm đưa ra quyết định tương tự. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn còn nhiều rào cản khi khác biệt quan điểm còn tồn tại ngay trong khối.

Tính đến ngày 29-5, có đến 146 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc công nhận tư cách Nhà nước Palestine, bao gồm cả các nước lớn như Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy nhiên, mới có 11 trên tổng số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) công nhận thể chế này. Điển hình, Đức dù ủng hộ "giải pháp hai nhà nước”, nhưng bác bỏ việc đơn phương công nhận Nhà nước Palestine, nhấn mạnh đàm phán mới là giải pháp - tương tự như cách lập luận của Mỹ.

Con đường đến với hòa bình của người dân Palestine nói riêng và Trung Đông nói chung vẫn còn một hành trình dài phía trước. Tuy nhiên, động thái lần này chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực để người Palestine tiếp tục sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa giành các quyền dân tộc hợp pháp, đồng thời tạo thuận lợi để thúc đẩy giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy công nhận Nhà nước Palestine: Cổ vũ giải pháp hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.