Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tây Ban Nha: Chất chồng bất ổn

Quỳnh Chi| 28/11/2012 07:03

(HNM) - Giữa lúc đang đau đầu tìm hướng giảm nhẹ những nguy cơ khủng hoảng xã hội ngày càng gia tăng do các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt thì chính quyền Tây Ban Nha lại phải đối mặt với bất ổn mới từ xứ tự trị Catalonia - nơi vừa tổ chức cuộc bầu cử hội đồng lập pháp gây tranh cãi.


Theo kết quả bầu cử vừa được công bố, Liên minh trung hữu Convergence and Union (CiU) của người đứng đầu xứ này, ông Artur Mas chỉ giành 50 ghế so với 62 ghế của nhiệm kỳ trước và phải chia sẻ quyền lực với đảng về thứ nhì là Liên minh Dân tộc cánh tả (ERC). Kết quả này được cho là bước lùi về uy tín của ông A.Mas, song nếu xét về tham vọng tổ chức trưng cầu dân ý ủng hộ Catalonia độc lập thì đây lại là thắng lợi của nhà lãnh đạo. ERC cũng có chung một mục tiêu với CiU và số ghế của hai đảng này gộp lại có thể tạo thế áp đảo quyết định trong hội đồng lập pháp 135 ghế của xứ Catalonia.


Một cuộc biểu tình đòi li khai của người dân Barcelona, Tây Ban Nha.

Trên nền tảng phát triển hơn một thiên niên kỷ, người dân xứ Catalonia - với hai thành phố cổ kính là Barcelona và Tarragona - rất tự hào về ngôn ngữ và nền văn hóa giàu bản sắc. Ngoài ra, khu vực 7,5 triệu dân này luôn là trung tâm của sự thịnh vượng ở Tây Ban Nha. Xứ Catalonia đóng góp hơn 1/5 sản lượng kinh tế, chiếm 1/4 lượng xuất khẩu của cả xứ sở Bò tót. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, vùng đất phía Bắc Tây Ban Nha đã được trao một số quyền tự trị. Tuy nhiên, ông A.Mas cũng như nhiều người dân Catalonia cho rằng chính quyền Tây Ban Nha đã không công bằng khi đánh thuế nhiều nhưng chia sẻ lợi nhuận cho người dân xứ này lại ít. Đây là nguyên nhân khiến lỗ hổng thâm hụt ngân sách do sự chênh lệch trên gây ra lên tới 16 tỷ euro mỗi năm. Và hiện tại, Catalonia đang chìm trong khoản nợ lên tới 44 tỷ euro, tức bằng 1/5 sản lượng kinh tế của vùng. Khi kinh tế phát triển, chẳng mấy người dân ở Catalonia để ý tới món nợ như vậy. Nhưng khi suy thoái nổ ra và tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha lên đến mức kỷ lục 25% thì người dân Catalonia bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến nền tài chính của riêng họ và đây là nguyên cớ của cuộc "đấu tranh" đòi độc lập đang diễn ra tại xứ này.

Theo cuộc thăm dò do tờ nhật báo El Pais tiến hành vào cuối tuần trước, tỷ lệ cử tri Catalonia bỏ phiếu ủng hộ quyền tự trị lên tới 46%. Việc hai đảng phái ủng hộ độc lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương báo hiệu cuộc đối đầu trong thời gian tới giữa Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha thêm gay gắt. Nhất là khi ông A.Mas đã tuyên bố, nếu Chính phủ Tây Ban Nha chấp nhận cuộc trưng cầu, sẽ tốt hơn cho Catalonia. Do đó, nếu Madrid "nói không" với người dân Catalonia về một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập thì Catalonia xem ra vẫn không từ bỏ cuộc tìm kiếm sự thịnh vượng.

Một nghiên cứu gần đây do Credit Suisse thực hiện cho thấy việc Catalonia ly khai sẽ là thảm họa cho Tây Ban Nha vì nền kinh tế của vùng đất này sánh ngang mức trung bình của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Trong khi đó, phần còn lại của Tây Ban Nha chỉ được xếp vào nhóm nghèo nhất Eurozone như Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Thế nhưng, ly khai cũng không phải là lựa chọn tốt nhất để Catalonia thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng của Tây Ban Nha mà ngược lại. Trước hết, tách khỏi Tây Ban Nha đồng nghĩa với việc Catalonia sẽ phải rời khỏi Eurozone và Liên minh Châu Âu (EU), ít nhất là trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, Catalonia vẫn còn mắc nợ cao và tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nếu không thể nhận cứu trợ từ các quỹ cứu trợ tài chính khu vực đồng euro. Thêm vào đó, nhiều khả năng GDP của xứ này sẽ giảm khoảng 20% do tình trạng chảy máu dòng vốn và nguy cơ bất ổn tài chính do phát hành đồng tiền mới.

Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cách tốt nhất trong thời điểm hiện nay là Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha cùng ngồi vào bàn thương lượng để tìm cách hóa giải những bất đồng, tránh một cú sốc mới cho nền kinh tế chung của Tây Ban Nha vốn đang mất dần sức kháng cự trước cuộc công phá dai dẳng của cơn bão khủng hoảng nợ công đang làm rung chuyển Châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ban Nha: Chất chồng bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.