(HNM) - Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tiếp tục xử phạt thêm nhiều trường hợp xe taxi
Nhiều vi phạm…
Theo thống kê từ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 6-2015, thanh tra giao thông (TTGT) Sở GTVT đã lập biên bản xử phạt 178 lượt xe taxi "Uber" hoạt động trái phép trên địa bàn thành phố. Trong số này có 29 trường hợp tái phạm, đặc biệt có 4 trường hợp đã vi phạm 3 lần. Theo Sở GTVT, các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Chủ xe không đăng ký kinh doanh vận tải theo quy định; xe không phù hiệu; không hợp đồng vận chuyển; không thực hiện niêm yết thông tin theo quy định; không có danh sách hành khách; không gắn thiết bị giám sát hành trình; không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe...
Thanh tra giao thông kiểm tra phương tiện nghi vấn. |
Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, qua kiểm tra các doanh nghiệp (DN) sử dụng phần mầm Uber trong hoạt động KDVT cho thấy, các hoạt động như: Thuê xe, quy định hành trình chạy xe, hoạt động KDVT, lái xe... đều do Công ty Uber điều hành. Giá cước được tính theo giá do Uber quy định (hành khách không được đàm phán giá cước trước khi thực hiện hành trình) và được tính toán, thu trên hệ thống của Công ty Uber mà không theo quy định hiện hành mà các DN KDVTHK truyền thống đang phải thực hiện.
Đặc biệt, hầu hết các DN chưa thể hiện việc kê khai thuế đối với doanh thu 80% cước thu được và phí hỗ trợ từ phía Uber với lý do chưa xác nhận, đối chiếu công nợ với Uber. Không những vậy, tất cả các DN đều không bảo đảm đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn chuyên ngành trong hoạt động KDVT bằng ô tô như: Chưa lập hồ sơ lý lịch phương tiện để theo dõi quá trình hoạt động, bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe; không xuất trình được giấy kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự…
Loại "xe dù" mới phát sinh
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác kiểm tra hoạt động KDVTHK của xe taxi "Uber" gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng phải dùng nghiệp vụ, mật phục để xử lý vi phạm nhưng nhiều trường hợp phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra thì lập tức đối phó bằng các biện pháp kỹ thuật khiến khó phát hiện và xử lý. Cũng theo ông Việt, hình thức hoạt động này thực chất là loại "xe dù" mới phát sinh, bởi với đặc điểm vận chuyển khách thông qua việc ứng dụng phần mềm Uber, hoạt động đón trả khách tự do, không tuân thủ các quy định về điều kiện KDVT bằng ô tô. "Hoạt động xe dù được hiểu theo quy định của pháp luật là "KDVT bằng xe ô tô mà không có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép KDVT theo quy định". Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động KDVTHK "xe dù" thường biến tướng, đội lốt dưới danh nghĩa đơn vị VTHK, hoạt động bằng nhiều hình thức tinh vi", ông Việt cảnh báo.
Liên quan đến hoạt động taxi "Uber", Sở GTVT TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Cục Thuế thành phố, kiểm tra, rà soát và hướng dẫn Uber Hà Lan và Uber Việt Nam chấp hành và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định. Đồng thời, kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc Công ty TNHH Uber Việt Nam kinh doanh theo giấy chứng nhận đầu tư được UBND thành phố cấp. Bên cạnh đó, Công an thành phố tiếp tục phối hợp với Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý phương tiện không đủ điều kiện KDVT theo Nghị định số 86 và Thông tư số 63.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Đoàn Đức Nguyên, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô, tại Việt Nam có 6 loại hình vận tải gồm: KDVTHK bằng ô tô theo tuyến cố định; xe buýt; xe taxi; xe theo hợp đồng; vận tải du lịch bằng ô tô và vận tải hàng hóa bằng ô tô. Như vậy, taxi "Uber" không đáp ứng điều kiện trên. Do đó, taxi "Uber" không có tính pháp lý để hoạt động chở khách như taxi truyền thống. Cũng theo luật sư Nguyên, Công ty Uber sẽ khó lòng đứng ra giải quyết thỏa đáng mọi quyền lợi cho hành khách và chủ xe khi tham gia vào hoạt động này. "Có thể nói, taxi "Uber" là loại hình rủi ro do không đăng ký KDVT, không đóng thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước. Mặt khác, loại hình này không chịu trách nhiệm bảo đảm tính mạng cho hành khách (do không đóng bảo hiểm cho hành khách) nên khi xảy ra sự cố hành khách sẽ thiệt thòi", luật sư Nguyên khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.