Bên cạnh sứ mệnh khám phá các hành tinh, dự án Voyager còn phát đi câu chuyện của Trái đất đến toàn vũ trụ.
Tàu không gian Voyager 2 rời Trái đất năm 1977, đến ngày 10-12-2018, nó đã chính thức ra khỏi Hệ mặt trời, cách hành tinh chúng ta khoảng 18 tỷ km. Trước đó, vào năm 2012, "người anh em" Voyager 1 là vật thể đầu tiên do con người chế tạo đi vào không gian liên sao.
Sau Voyager 1, Voyager 2 chính thức trở thành vật thể thứ 2 do con người chế tạo đi vào không gian liên sao. Ảnh: NASA. |
Do ở khoảng cách rất xa Trái đất, nên mặc dù đã đi đến vùng không gian bên ngoài nhật quyển hôm 10-12, đến 11-12, NASA mới nhận được thông tin từ Voyager 2. Cơ quan vũ trụ Mỹ cho biết, các thành viên của dự án Voyager sẽ công bố những phát hiện của họ tại một cuộc họp báo do Liên minh Địa vật lý Mỹ (AGU) tổ chức ở Washington.
"Làm việc trong dự án Voyager khiến tôi cảm giác như một nhà thám hiểm thực thụ. Mọi thứ nó phát hiện đều mới mẻ với chúng ta. Dù Voyager 1 đi vào không gian liên sao trước, song do hướng đi khác nhau mà những gì Voyager 2 gửi về cũng rất quý báu", nhà nghiên cứu John Richardson cho biết.
Vị trí tương đối của Voyager 1 và Voyager 2, cả hai đều đã ra khỏi Hệ mặt trời. |
Nhiệm vụ chính của hai con tàu không người lái này là khám phá các hành tinh như sao Mộc, sao Thiên Vương và sao Hải Vương, nhưng chúng cũng có trọng trách mang câu chuyện về nhân loại đi khắp vũ trụ xa xôi.
Mỗi tàu Voyager chứa một máy đọc và một chiếc đĩa ghi vàng, được chế tạo để tồn tại được đến hơn 1 tỷ năm. Đĩa ghi chứa hình ảnh, tư liệu chọn lọc về Trái đất và văn hoá nhân loại. Các nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó, một nền văn minh ngoài vũ trụ sẽ nhận được chúng và hiểu được thông điệp của con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.