(HNM) - Từ đầu năm đến nay, các loại sữa nội, sữa ngoại cũng tăng giá 500 đồng đến 20 nghìn đồng/hộp sữa nước hoặc sữa bột 500g, khiến không ít gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu để mua sữa cho con.
Mới đây nhất, nhãn hàng Dielac, Alpha, Mama... của Vinamilk đã tăng giá thêm 6%. Hãng Abbott tăng thêm 7,4% giá sản phẩm. Công ty Tiên Tiến, nhà phân phối chính thức sữa Mead Johnson tại Việt Nam nâng nhãn Enfa A+ thêm 9%. Thương hiệu Cô gái Hà Lan tăng thêm 5%.
Trước việc các đơn vị kinh doanh sữa trên cả nước đua nhau tăng giá bán, ngày 20-2, Bộ Tài chính đã có công văn số 2078 yêu cầu không đăng ký điều chỉnh tăng giá đối với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi. Đối với sản phẩm sữa nước đã điều chỉnh tăng giá trong thời gian vừa qua, phải báo cáo giải trình chi tiết tỷ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá và gửi về Cục Quản lý giá trước ngày 15-3.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa có quy định nào về tần suất tối thiểu giữa hai lần tăng giá. Luật hiện hành cũng không bắt buộc đăng ký giá nên việc kiểm tra chỉ được tiến hành sau khi các doanh nghiệp (DN) đã tăng giá. Các cơ quan chức năng chỉ có quyền yêu cầu hạ giá sữa nếu mức tăng vượt quá 20% (theo Nghị định 170 của Chính phủ về quản lý giá sữa).
Vì vậy, khả năng các DN lách luật để tăng giá từ từ là hoàn toàn có thể xảy ra và rất khó kỳ vọng vào sự can thiệp của cơ quan quản lý nếu mức tăng không quá lớn. Theo ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), từ năm 2009, nhiều công ty kinh doanh sữa đã tăng giá thêm mỗi lần 5-7% cho các loại sản phẩm sữa của mình. Với tần suất dày đặc (ước từ 14-17 lần tăng), cộng dồn vào khiến cho giá sữa của Việt Nam hiện nay vào tốp những quốc gia có giá sữa cao nhất thế giới. Nếu Chính phủ quy định tăng không quá 20% thì số tăng thêm 5-7% hoàn toàn không phạm luật, nhưng khi cộng dồn vượt quá 20% trong 3 năm thì sao? Các cơ quan quản lý cần phải xem xét vấn đề này, tìm chế tài xử lý cho đủ mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng DN "tát nước theo mưa", bảo vệ người tiêu dùng khỏi tình trạng luôn phải chịu thiệt thòi và bị động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.