(HNM) - Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát, tập trung triển khai các dự án, trong đó chú trọng xử lý rác thải sinh hoạt.
Hiện Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải được phê duyệt quy hoạch, trong đó có 8 khu đã và đang được nâng cấp mở rộng, 4 khu đang được đầu tư mới... Đáng lưu ý, UBND thành phố quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp 2 khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì), trong đó đã đưa vào vận hành 2 nhà máy đốt rác có thu hồi nhiệt, công suất 800 tấn/ngày tại xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).
Vì thế, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt tiếp nhận trên địa bàn thành phố chủ yếu được thu gom, phân luồng vận chuyển về 2 khu xử lý trên với công suất 4.300-4.500 tấn/ngày. Ngoài ra, chất thải rắn còn lại được thu gom, xử lý tại các khu xử lý, nhà máy có quy mô nhỏ hơn tại xã Phương Đình (huyện Đan Phượng), xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), xã Việt Hùng (huyện Đông Anh).
Báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Chủ tọa phiên giải trình nêu trên, UBND thành phố cho biết đang chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng các nhà máy xử lý rác với công nghệ tiên tiến, hiện đại và ít ảnh hưởng đến môi trường, dự kiến sẽ vận hành trong giai đoạn 2019-2020. Đó là Nhà máy Điện rác tại Khu xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), công suất 4.000 tấn/ngày-đêm; Nhà máy Xử lý rác thải Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), công suất 2.500 tấn/ngày-đêm; Nhà máy Xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), công suất 1.500 tấn/ngày-đêm; Nhà máy Xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), công suất 1.500 tấn/ngày-đêm; Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên), công suất 800 tấn/ngày-đêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.